Năm 2012 được đánh giá là một năm không mấy thành công của văn học trẻ. Bước vào năm 2013, văn học trẻ lại lần nữa được hy vọng, sự hy vọng đến từ những cái mới về văn hóa đọc hơn là từ bản chất sáng tác của các cây bút trẻ và cả những cây bút viết cho người trẻ.

Thiếu sức sống

Trong cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 10 năm tủ sách “Tuổi mới lớn” của NXB Kim Đồng, một trong những cái nôi quan trọng sản sinh ra những cây bút văn học trẻ, nhà thơ Cao Xuân Sơn, người từng phụ trách tủ sách này nhận xét: “Văn học tuổi mới lớn là dòng văn học nằm giữa, không phải cho trẻ con nhưng cũng chưa phải cho người lớn. Và đến nay, dòng văn chương này vẫn chưa được nhận diện rõ ràng”.

Các tác giả lớn tuổi khi viết cho tuổi mới lớn thì bị đánh giá là “tuổi mới lớn của 50 năm trước” vì các tác phẩm thường mang nặng hoài niệm quá khứ, nhân vật trẻ là nhân vật của thời họ chứ không phải là nhân vật trẻ của thời nay. Cũng vì nguyên nhân này mà các tác giả trẻ tuổi được trông chờ...

Thế nhưng, như dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks nhận xét: “Các tác giả trẻ trong nước đa phần viết theo cảm nhận chủ quan, viết để thỏa mãn cá nhân trước tiên chứ không phải viết vì bạn đọc”. Nhà văn Đoàn Thạch Biền cho biết: “Viết tình cảm, tự sự thì không có gì sai nhưng bạn trẻ nào cũng viết thì đâm ra thừa, dễ gây nhàm chán nơi bạn đọc”.

Các nhà văn trẻ thảo luận về văn xuôi tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc

Bích Khoa, nhà văn, họa sĩ của NXB Kim Đồng thẳng thắn: “Mình đọc bản thảo của các bạn trẻ gửi về, toàn là tự sự, tâm tư tình cảm cá nhân. Có thể lý giải các bạn chọn viết như thế vì nó dễ viết nhưng ngược lại tác phẩm mang nặng tính cá nhân, không bắt kịp nhu cầu đọc của bạn đọc”.

Đó là những lý do chính để văn học trẻ năm 2012 lặng lẽ, nhạt nhòa. Sáng tác không thiếu nhưng không gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc. NXB Văn hóa văn nghệ TPHCM nhân dịp hội sách in một loạt sách 8x nhưng bộ sách đầy tâm huyết của đơn vị này cũng không gây được ấn tượng nào.

Con đường mới

Thực ra, trong sáng tác văn học trẻ hiện nay có một mâu thuẫn lớn. Một bên là các NXB, người làm sách than phiền rằng các tác giả trẻ chỉ toàn viết chuyện cá nhân, xa rời bạn đọc, chính vì thế sách của họ in ra ít được bạn đọc quan tâm. Các tác giả trẻ thì phản pháo, sáng tác là chuyện cá nhân. Các nhà văn trẻ thường thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm viết, nếu không viết chuyện cá nhân thì viết gì bây giờ?

Kết quả, tác phẩm viết ra không ai in, có in thì cũng khó bán, đơn vị làm sách khó thu hồi vốn. Người viết không thể sống bằng tác phẩm của mình, phải sống bằng nghề khác và xem sáng tác như một thú vui, một cái nghiệp, chỉ có thể viết khi rảnh rỗi. Và lâu lâu, có bạn may mắn được in sách nhờ các chương trình của NXB, của hội nhà văn, có bạn tự bỏ tiền túi ra in sách để tặng bạn bè, người quen.

Tuy nhiên, năm 2013 lại mang đến một hy vọng mới: Sáng tác sách điện tử (ebook). Thực ra thì điều này vốn dĩ không mới, thậm chí còn từng là một phong trào rầm rộ thời blog, và khi đó nó được gọi là “văn chương mạng”. Một số cây bút đã nổi tiếng từ đó như Trang Hạ, Phong Điệp, Keng… Tuy nhiên, phong trào này dần chuyển hướng vì dù sao cũng vẫn phải xuất bản mới được xem là có tác phẩm hoàn thiện, còn viết trên các trang mạng vẫn chỉ được coi là bản thảo.

Nhưng với việc các NXB trong nước bắt đầu xuất bản ebook, một cánh cửa đưa sách đến bạn đọc đã mở ra với các nhà văn trẻ. Chi phí xuất bản ebook không cao, thuận lợi để tác giả trẻ xuất bản tác phẩm. Bạn đọc chính của ebook hiện nay là giới trẻ, dòng bạn đọc phù hợp với các cây bút trẻ. Với giá bán ra rất rẻ của ebook (chỉ từ 3.000 - 20.000 đồng mỗi bản) khả năng nhiều bạn đọc tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà văn trẻ và từ đó giúp các cây bút trẻ có thêm cơ hội để tạo dấu ấn với bạn đọc.

Hiện nay, NXB Trẻ là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình hỗ trợ các nhà văn trẻ xuất bản ebook thông qua công ty con Ybook của NXB.

Theo SGGP