Triển lãm nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; thông qua hoạt động trưng bày nhạc cụ truyền thống tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; quảng bá các loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nói chung và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.
 |
Hát The vùng cao ở Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Ngân Liên. |
Triển lãm giới thiệu các nhạc cụ được chọn lọc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc vùng miền, đảm bảo chất lượng, tính hiện đại, tính cộng đồng, đa dạng, phong phú và độc đáo, gắn với các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống.
Ban tổ chức kết hợp trưng bày 100 hình ảnh với các tư liệu, nhạc cụ, màn hình trình chiếu giới thiệu về nhạc cụ các dân tộc Việt Nam, hình ảnh các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc và trình diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam theo vùng, miền cả nước.
 |
Các nhạc cụ trưng bày tại triển lãm. |
Các loại nhạc cụ mang bản sắc của từng dân tộc được giới thiệu tới người xem theo từng chủ đề: Trong đó có nhạc cụ của người Kinh như xinh tiền, sáo, nhị, trống trò, thanh la, não bạt, đàn bầu..; đàn tính của các dân tộc vùng núi cao và thung lũng phía Bắc (Đông Bắc, Tây Bắc); nhạc cụ: Trống Parnưng, trống Ghi năng, kèn Saranai…của các dân tộc vùng duyên hải miền Trung.
Ngoài ra, tại triển lãm còn có chương trình giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống và dân gian đương đại. Các đoàn tham dự sẽ mang đến một chương trình nghệ thuật tiêu biểu đại diện cho địa phương mình, với các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền: Dân ca, dân vũ, trình diễn độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc; các thể loại sân khấu như tuồng, chèo, cải lương; vở hoặc tiểu phẩm sân khấu; các lễ hội của địa phương đã được sân khấu hóa...
KHÁNH HUYỀN