Nhìn theo hướng chỉ của con, tôi mỉm cười phát hiện những chiếc lá xanh mướt mà con tôi gọi là “lá lốt” thực ra là lá trầu đang bám riết trên tường gạch. Một sự nhầm lẫn đáng yêu của con trẻ. Mà đúng thôi, đã lâu rồi kể từ ngày ngoại mất, ngay chính tôi cũng chưa được gặp lại dáng người nhỏ bé ngồi bên hiên nhà, miệng bỏm bẻm nhai trầu đợi con cháu ngày nào…
Tôi vẫn nhớ ngày ấy, mỗi lần về ngoại, khi chiếc cổng gỗ vừa khẽ mở, hàng cau dọc ngõ vào nhà đã phất phơ tàu lá vui mừng chào đón đứa cháu nhỏ về chơi. Hàng cau luống tuổi như chính ông ngoại, người đã vun xới, chăm chút từ những lớp đất đầu tiên. Ông còn đi tỉa những dây trầu quế to mập về, đặt hom nằm dưới đất hướng về phía thân cau. Không mất nhiều thời gian, những ngọn trầu không đã bám vào thân cau, vươn mình mọc thêm những chồi non mới.
Ông bảo với tôi, hàng cau, trầu này ông trồng để bà đỡ “nhớ nghề”. Chẳng là, bà ngoại nổi tiếng têm trầu đẹp từ hồi con gái. Ngày hội làng năm xưa, chàng thanh niên thạo nghề dựng nhà cổ từng xuôi ngược vang danh khắp xứ Bắc, xứ Đông vậy mà giọng nói bỗng ngập ngừng, run run khi nhận từ tay người con gái thôn quê miếng trầu têm cánh phượng. Câu chuyện gặp gỡ của ông bà cũng bắt đầu từ miếng trầu cay, nồng ngày hội xuân ấy. Để rồi, khi về với nhau, ông cất công đi tìm đúng giống “cau non tiện chũm lòng đào” về trồng ngay cổng ngõ tặng bà.
Tôi cũng không rõ việc bà têm trầu có thành “nghề” hay không nhưng khi nhà nào trong làng có công to việc lớn bao giờ cũng sang nhờ bà têm cho khay trầu. Mỗi lần như vậy, tôi lại phụ bà hái lá trầu. Ngọn trầu quế leo cao, phải dùng thang tre chống vào thân cau mới có thể hái được. Bà nhắc tôi chọn lá trầu vừa tay, lá xanh không quá già, cũng không quá non.
Bà nhờ tôi dọn chiếc chõng tre ra hiên nhà. Trên đó, bà bày ra một chùm cau non, rễ cây chay, bình vôi, lá trầu quế và không thể thiếu một con dao sắc để bổ cau. Đôi tay bà cẩn thận cắt mỏng vát rễ cây chay sao cho phần vỏ rễ ngoài màu đỏ thẫm vẫn dính một lớp viền bao quanh ruột rễ. Miếng rễ chay mỏng ấy, bà dùng dao cắt viền vỏ hình răng cưa. Phần tạo hình khó nhất có lẽ là lá trầu. Gập đôi theo sống lá trầu, tùy theo kích cỡ lá, bà cắt viền lá theo hình răng cưa. Một đường cắt dọc theo bụng lá và đường cắt ngang để tạo nếp gấp. Mới nhìn qua tưởng chừng đơn giản nhưng khi thử cắt, tôi vụng về làm hỏng lá trầu của bà. Quả cau non bổ làm bốn, bà tước hai bên lớp vỏ ngoài, xếp ngược cánh sang hai bên đồng thời dùng chiếc dao sắc chẻ một đường rất ngọt vào phần giữa của miếng cau.
Bà làm lần lượt từng công đoạn, tỉ mẩn nâng niu từng miếng cau, lá trầu. Nắng xuyên qua tán hồng xiêm bên hiên nhà, rớt thành ô nhỏ xuống chõng tre, xuống mặt đất, xuống cả đôi tay bà đang làm. Vệt vôi bà quệt vào ngọn lá trầu dưới ánh nắng nổi lên màu trắng sáng. Thật kì diệu, khi bà bắt đầu cuộn tròn ngọn lá trầu quệt vôi, theo vết lá cắt một ngọn lá nhọn mới lại hiện ra. Bà nhẹ nhàng lật lá trầu hình cánh phượng ra sau thật cân đối. Ngay đúng chỗ lá trầu cuộn vôi, bà đặt rễ cây chay rồi kẹp phần bụng quả cau vừa cắt vào thành hình thân phượng.
Trên tay bà, từng miếng trầu nhỏ vươn mình với “cánh phượng” màu xanh thẫm. Bà cài thêm một cánh hoa hồng nổi bật vào ngay dưới vỏ cây chay. Miếng trầu ửng lên màu đỏ tươi, “thân phượng” nổi bật với miếng cau mỡ trắng, hạt cau hồng màu “lòng đào” óng ánh trong nắng dưới hiên nhà…
PHƯƠNG NGUYÊN