Biên đạo múa người Anh gốc Việt-Nguyễn Ngọc Anh và ê kíp nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã trình làng vở ballet “Đông Hồ”, có các suất diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào hai đêm 22 và 23-3-2023. Biên đạo Nguyễn Ngọc Anh mang ý tưởng vẽ tranh Đông Hồ bằng vũ điệu uyển chuyển của đôi giày mũi cứng qua chuyển động mềm mại, thanh thoát và quý phái của các nghệ sĩ ballet, khiến giới làm nghề bất ngờ. “Tôi rất muốn mang đến cho Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn dập gỗ hay những thiết kế trang phục mà bằng “ngòi bút” sắc sảo tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa ballet. Mặt khác, dù sống ở nước ngoài nhưng tâm hồn tôi vẫn là người Việt, mong muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài, khiến công chúng vừa đến được với những chân trời mới của nghệ thuật mà vẫn giữ được niềm tự hào của văn hóa truyền thống dân tộc”, biên đạo Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

leftcenterrightdel
       Hình ảnh trong vở ballet “Đông Hồ”.Ảnh: VNOB 

Ballet “Đông Hồ” được xây dựng với chuỗi các bức tranh như: “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Vinh quy bái tổ”, “Lý ngư vọng nguyệt”... được vẽ bằng vũ điệu ballet cổ điển thế giới. Đó chính là sự độc đáo của “Đông Hồ” khi truyền thống hội họa dân gian kết hợp cùng nghệ thuật cổ điển và đương đại của thế giới. Vở diễn dẫn dắt người xem đến với sự tinh tế, giản dị được truyền tải một cách trừu tượng và mang tính cảm nhận. Thông điệp cho và nhận xuyên suốt vở múa chính là sự kết nối chặt chẽ dựa trên giá trị nhân văn của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, “Đông Hồ” còn có sự hòa quyện khéo léo giữa những hình ảnh văn hóa và tinh hoa của quê hương Việt Nam với âm nhạc hàn lâm thế giới thông qua các tác phẩm: “Bốn mùa-New Four Seasons”, bản giao hưởng do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của Antonio Vivaldi-một trong những nhà soạn nhạc Baroque vĩ đại nhất của thế giới.

Nói về ý tưởng đưa “Đông Hồ” lên sân khấu ballet, ông Phan Mạnh Đức, Giám đốc VNOB cho biết: “Vẫn đi theo tôn chỉ của nhà hát là đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt, VNOB quyết định xây dựng “Đông Hồ” với mong muốn gắn kết hơn nữa, làm mới hơn nữa sợi dây kết nối giữa nghệ thuật hội họa truyền thống với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới. Để người yêu múa không còn cảm thấy sự xa vời của nghệ thuật dân gian truyền thống, mà nó đã và đang hiển hiện trong từng vũ khúc ballet cổ điển của phương Tây”.

Một trong những nét độc đáo nữa của vở ballet “Đông Hồ” còn nằm ở thiết kế tối giản của trang phục, sân khấu. Sự tối giản này sẽ góp phần đẩy hiệu ứng hình ảnh, thông qua khả năng sáng tạo của hệ thống công nghệ hiện đại bằng âm thanh, ánh sáng giúp kích thích mọi giác quan của khán giả, tạo nên không gian nghệ thuật sang trọng nhưng không kém phần rất đỗi gần gũi, quen thuộc của Nhà hát Lớn Hà Nội.

Không gian Nhà hát Lớn Hà Nội trong những buổi diễn “Đông Hồ” được trang trí bằng các tác phẩm tranh Đông Hồ cùng sự góp mặt của nghệ nhân đến từ làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh). Khán giả có cơ hội tìm hiểu các vật liệu, quá trình làm nên một tác phẩm tranh và trực tiếp tham gia tạo nên bức tranh Đông Hồ của riêng mình.     

VIỆT LAM