Chương trình cùng với Dự án "Hành trình nuôi con chữ" của sinh viên ở TP Hồ Chí Minh mang con chữ, tình yêu thương, sẻ chia, niềm vui đón ngắm trăng rằm đến với trẻ em nơi những bản làng vùng sâu, vùng xa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
“Hành trình nuôi chữ” là dự án đồng hành, hỗ trợ trẻ em vùng sâu, vùng xa theo học và hoàn thành các bậc học phổ thông được tổ chức DOP thực hiện từ năm 2019 đến nay. Thông qua hình thức kết nối 1:1, các bạn trẻ sẽ đồng hành, mở các buổi trao đổi, chia sẻ kiến thức nhằm khai phá bản thân của các học sinh vùng cao. Trong khuôn khổ Dự án “Hành trình nuôi chữ”, Chương trình “Trăng sáng từ bao giờ?” được DOP tổ chức định kỳ hằng năm vào dịp Trung thu ở các thôn bản ở các huyện Đắk Glong, Tuy Đức thuộc tỉnh Đắk Nông.
|
|
Chương trình Trung thu “Trăng sáng từ bao giờ” năm 2023. |
Mùa trung thu năm 2024, Chương trình “Trăng sáng từ bao giờ?” tiếp tục đến với trẻ em, học sinh ở nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Để lại sau phố xá tấp nập, nhộn nhịp, các bạn trẻ của DOP bắt đầu vượt quãng đường hàng trăm cây số, đi qua những cung đường đất bazan lầy lội mùa mưa để đến những bản làng xa xôi, heo hút còn nhiều khó khăn. Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, để đến điểm dân cư Suối Phèn, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, các bạn trẻ đã phải đi qua những đoạn đường gấp khúc, lầy lội, bết dính đất đỏ sau cơn mưa. Tại các bản làng, các bạn trẻ tham gia chương trình đong đầy cảm xúc như được “về nhà” sau một năm đi xa với các em nhỏ vùng cao; được sống lại khoảng thời gian tuổi thơ, được phá cỗ trong một không gian gần gũi với thiên nhiên, có một quãng thời gian sống chậm để nhìn lại chính mình trong hành trình sẻ chia yêu thương.
Điều đặc biệt của các Chương trình "Trăng sáng từ bao giờ?" là ở cách làm. Thông qua các hoạt động của chương trình, các học sinh được đào tạo kỹ năng để có thể chủ động làm những việc ý nghĩa cho các em nhỏ hơn nơi bản làng mình sinh sống. Các em học sinh là người chuẩn bị các khâu tổ chức, văn nghệ. Còn các tình nguyện viên của DOP chỉ là người hướng dẫn từ xa và hỗ trợ vật lực, vận động bánh, đèn trung thu. Theo anh Trần Hải Quân, Founder Tổ chức DOP, kinh phí được trích từ các hoạt động gây quỹ “offline” như “workshop làm lồng đèn”, “workshop làm bánh trung thu” và từ nguồn đóng góp của các thành viên ủng hộ trên fanpage của chương trình, đã mang đến 5 điểm bản 1.500 lồng đèn, 1.500 chiếc bánh trung thu. Các nhóm bạn trẻ của DOP đồng hành trong các hoạt động văn nghệ, vui chơi sôi nổi với các em học sinh. DOP không quá chú trọng vào việc trao tặng bao nhiêu phần quà mà tập trung cơ hội trao quyền cho học sinh trong bản được làm, là dịp để các bạn trẻ trong dự án tiếp tục công tác kết nối, xây dựng nền tảng cho các bước tiếp theo của Dự án “Hành trình nuôi chữ”.
Anh Dương Văn Tính, Trưởng ban điều hành Tổ chức DOP chia sẻ: "Qua mỗi chương trình, chúng tôi xúc động khi được nhìn thấy sự trưởng thành của các em nhỏ về kỹ năng cộng đồng và tình yêu thương, sẻ chia. Từ những học sinh còn rụt rè, thụ động, không dám nhận công việc tổ chức nay đã tự tin, chủ động thực hiện các chương trình, hoạt động đón trăng rằm, vui trung thu nơi bản làng".
Mùa trăng nối tiếp mùa trăng, câu hỏi “Trăng sáng từ bao giờ?” như được trả lời, từ lúc con người biết sẻ chia, yêu thương, từ trong nhiệt huyết, cống hiến và trái tim yêu thương của các bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh và học sinh ở các bản làng vùng cao biết cho đi, san sẻ yêu thương, có trách nhiệm cộng đồng. Những điều ý nghĩa ấy lấp lánh giữa đại ngàn, trong mắt em thơ vằng vặc biết ơn và lưu luyến dưới ánh trăng rằm.
Bài và ảnh: KIỀU OANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.