Băn khoăn này không phải không có cơ sở khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển hằng giờ, hằng ngày, sẵn sàng đe dọa “nuốt chửng” nhiều ngành nghề. Ở Việt Nam, sau thời gian khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, trong thời gian ngắn tới, nhiều lao động cũng sẽ còn phải đối mặt với tình trạng mất việc làm, chuyển đổi công việc do yêu cầu tinh giản, sáp nhập... 

Không khí náo nhiệt tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 diễn ra ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: tuoitre.vn

Chọn ngành nghề không dễ, vậy phải chăng là chọn bừa, chọn đại, phó mặc tương lai cho số phận? Hoàn toàn không phải vậy bởi mỗi người đều có học lực khác nhau, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy, người trẻ dễ thành công hơn nếu lựa chọn những ngành nghề phù hợp với tố chất, đam mê của mình. Vì thế, thay vì lo lắng, băn khoăn, các bạn trẻ cần cố gắng trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm thật tốt để có cơ hội chọn việc, thậm chí cả nhảy việc trong tương lai.

Kể cả khi lựa chọn ngành học ban đầu chưa chính xác, chưa đúng với sở trường hay xu hướng và nhu cầu của xã hội nhưng quan điểm của người trẻ mới là điều quyết định thành công của người đó trong tương lai. Một cánh cửa đóng lại sẽ mở ra cánh cửa khác. Không ai đoán chắc được tương lai. Vì vậy, người trẻ hãy gắng sức học tập, rèn luyện kỹ năng, sẵn sàng bám nắm lấy thời cơ để chuyển hóa thành cơ hội.

Tất cả những kiến thức, kỹ năng, tư duy có được trong quá trình học tập đều có thể được ứng dụng, hỗ trợ trong công việc sau này bằng cách này hay cách khác. Kiến thức sẽ luôn hữu dụng nếu ta biết cách ứng dụng nó vào việc làm. Bằng cấp, chứng chỉ nào cũng có giá trị, vấn đề mấu chốt nằm ở ý chí, quyết tâm và những kỹ năng của người sở hữu bằng cấp.

THÁI HÒA

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.