Điểm nhấn của chương trình là giới thiệu nghi lễ ban quạt trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ và trưng bày bộ sưu tập quạt của nghệ nhân Dương Văn Đoàn với chiếc quạt mang tính chất cung đình có kích thước 2,4m đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503 và một số quạt dành cho vua, hoàng hậu và quan được phỏng dựng dựa trên các nguồn tư liệu lịch sử.

Các món ăn cổ truyền ngày Tết Đoan ngọ trưng bày tại buổi lễ.

Đến với không gian trưng bày, du khách thấy được các hiện vật quạt trong đời sống xưa và nay, còn được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ như: Tục “giết sâu bọ”; tục hái thuốc Nam đề cao tri thức dân gian dùng thảo mộc chăm sóc sức khỏe con người; tục đeo bùa ngũ sắc thông qua những chiếc bùa ngũ sắc được phục hồi dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Pháp) và không gian đầy màu sắc của một cửa hàng quạt trên phố Hàng Mụn xưa (nay là phố Hàng Bút).

Chương trình Tết Đoan ngọ sẽ trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị phong tục tập quán cổ truyền, đặc biệt giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và thêm yêu nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

 Trưng bày bài thơ của vua Lê Hiến Tông đề trên quạt.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi rất vui và vinh dự được đại diện cho UNESCO tham dự Lễ khai mạc Tết Đoan ngọ do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức. Tôi được biết, Tết Đoan Ngọ là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở Việt Nam, là dịp để thắt chặt mối dây liên hệ với tổ tiên, nhắc nhở bản thân về những thực hành lành mạnh trong thời khắc chuyển giao từ mùa xuân sang mùa hạ. Đây cũng là dịp để thúc đẩy mối liên kết giữa di sản vật thể và di sản phi vật thể - và chỉ khi chúng ta duy trì mối liên kết này, đồng thời thực hành phi vật thể thì chúng ta mới có thể giữ cho di sản vật thể sống động và tồn tại lâu dài".

 Nghi lễ Ban quạt.

“Tôi rất vui khi được tham gia các buổi lễ với những trò chơi dân gian, làm đồ thủ công hay hoạt động nấu các món ăn truyền thống theo mùa. Tôi hy vọng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội sẽ tiếp tục chương trình giáo dục di sản này và lan tỏa trong cộng đồng để giúp các thế hệ trẻ trân trọng và hiểu rõ hơn về truyền thống của minh và về nơi mà họ được sinh ra. Tôi hy vọng rằng những phát hiện về bằng chứng khảo cổ học sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của chúng ta về những giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long, bởi chính những giá trị này đã giúp cho Hoàng thành được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới. Nhân dịp này, tôi trân trọng khẳng định rằng UNESCO sẽ tiếp tục ủng hộ hết mình cho công tác nghiên cứu, công tác quản lý cũng như sự phát triển của di sản quan trọng này”, ông Christian Manhart nhấn mạnh.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN