Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 150 tham luận. Số lượng lớn bài tham luận cho thấy sự hưởng ứng nhiệt thành của đông đảo các cơ quan tuyên giáo, văn hoá, văn nghệ, báo chí; các nhà quản lý, các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước đối với chủ đề hội thảo, với Nghị quyết 23.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu đề dẫn hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đề nghị: Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung đánh giá những kết quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 trong các lĩnh vực: Sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng...

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá Nghị quyết 23 đã nâng cao nhận thức của Chính phủ, các địa phương quan tâm, đầu tư cho văn học nghệ thuật. Rất nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan văn học nghệ thuật được triển khai, tạo động lực, sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cho phát triển văn học nghệ thuật.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo.

Từ hiện trạng các câu lạc bộ thơ mọc lên như nấm, nhà thơ Vũ Quần Phương cảnh báo tình trạng nghiệp dư hóa, phong trào hóa các hội sáng tác văn học nghệ thuật khiến chất lượng tác phẩm đi xuống, thái độ của công chúng đối với tác phẩm không còn “thiêng liêng” như trước. Nhà thơ Vũ Quần Phương đề nghị cần đánh giá lại các phong trào, các tác giả nhận định đúng ưu điểm, khuyết điểm. Trong vấn đề xét chọn tác giả, tác phẩm cần lấy tiêu chí chất lượng tác phẩm lên hàng đầu, không nể nang, dễ dãi. 

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trong tham luận “Về các nhân tố tác động đến văn học nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay” khẳng định: Kinh tế thị trường tác động đến tư duy, hành vi người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Thay vì đáp ứng nhu cầu chính đáng, lành mạnh của công chúng, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đang sa đà đáp ứng vào nhu cầu, thị hiếu tầm thường, dung tục. Đặc biệt nhiều sản phẩm văn học nghệ thuật còn có thể xếp vào loại xấu độc, tác động tiêu cực đến nhận thức, thẩm mỹ của công chúng. Nhiều đề tài lớn của nền văn học nghệ thuật cách mạng không được giới văn nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác, ảnh hưởng đến năng lực tuyên truyền - cổ động trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều bộ môn văn học nghệ thuật truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, đứng trước nguy cơ mai một.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ phát biểu tham luận.

Việc tạo ra những kênh phát hành mới trên không gian mạng gây khó khăn cho công tác quản lý sản phẩm văn học nghệ thuật, ngăn ngừa các tác phẩm xấu độc. Mặc dù các cơ quan chức năng rất tích cực liên lạc, trao đổi đề nghị các nền tảng xuyên biên giới lưu trữ, quảng bá, phổ biến văn học nghệ thuật gỡ bỏ những sản phẩm xấu độc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục nước ta. Với sự phát triển của video ngắn, chương trình truyền hình thực tế, trò chơi điện tử…, đã chiếm hết thời lượng giải trí của người dân. Điều này đẩy một số ngành văn học nghệ thuật từ trung tâm sang phía ngoại vi.

Nền giáo dục lâu nay chưa chú trọng phát triển con người toàn diện, chưa chú trọng giáo dục nghệ thuật trong nhà trường, vẫn xem các môn nghệ thuật là các môn phụ. Điều này có tác động của kinh tế thị trường ảnh hưởng đến nhận thức của nhà trường, gia đình theo hướng đào tạo kiến thức quá thực dụng.

Đồng chí Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đề xuất một số kiến nghị mang tính giải pháp, đó là: Tiếp tục quán triệt, thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật. Không ngừng đổi mới nội dung tương thích hình thức mới, tìm phương thức quảng bá hiệu quả, mạnh dạn thử nghiệm xã hội hóa, thương mại hóa các tác phẩm tưởng chừng chỉ có chức năng tuyên truyền - cổ động, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Xử lý nghiêm các vi phạm của cá nhân, tổ chức sáng tạo và phát hành những tác phẩm văn học nghệ thuật đi ngược lại đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Trên cơ sở này đề xuất những nội dung mới về chủ trương, giải pháp quan trọng, đột phá và khả thi để phát triển văn học, nghệ thuật từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những ý kiến tại diễn đàn này sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết, tham mưu cho Đảng, tiếp tục có những quyết sách kịp thời và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của văn học, nghệ thuật nước nhà thời kỳ mới", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nhìn lại chặng đường 15 năm qua với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực văn học nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Với những tác động của công cuộc đổi mới, của toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ 4.0 và cả đại dịch Covid-19, việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới cần được đánh giá lại.

Tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, các doanh nghiệp nên hướng tới tài trợ văn hóa nhiều hơn. Khi được hỗ trợ đầy đủ, văn hóa sẽ tác động lại, đem lại hiệu quả kinh tế. Các lĩnh vực văn học nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khơi dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng thẳng thắn nhìn nhận so với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết, nền văn học nghệ thuật Việt Nam đến nay đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập.

Chế độ lương, nhuận bút và đãi ngộ tài năng cũng là một chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm. Trước ý kiến này, đồng chí nhấn mạnh đội ngũ văn nghệ sĩ có lẽ chưa được đầu tư đủ về mặt vật chất. 

Giới văn nghệ sĩ được xem là một nguồn lực quan trọng để phát triển, là sức mạnh nội sinh trong công cuộc phát triển của đất nước. "Đội ngũ văn nghệ sĩ là lực lượng tiên phong bồi đắp, xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời đại mới... Để làm được điều này, cần có thể chế, chính sách cụ thể hóa, nếu không sẽ rất khó", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói.

"Qua nghe các ý kiến phát biểu và một số tham luận tại hội thảo tôi cảm nhận rõ tâm huyết, trách nhiệm và cả sự băn khoăn, lo lắng của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với thực trạng tương lai của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Đó là những tiếng nói cần được lắng nghe, chia sẻ, nghiên cứu thấu đáo và tiếp thu nghiêm túc. Vì sao những hạn chế, yếu kém kéo dài đã được chỉ ra nhưng vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản và triệt để. Các tác phẩm xuất hiện nhưng chất lượng chưa tương xứng với số lượng, còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vẫn còn không ít hạn chế", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá.

 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội thảo.

Dự kiến, kết quả Hội thảo là cơ sở của các luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trưởng ban và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23- NQ/TW, trong đó có nội dung tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; là cơ sở khoa học để các cơ quan, đơn vị, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Sau hội thảo, hội đồng lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, in kỷ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ.

Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG