Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết mục đích và ý nghĩa của Tuần phim này?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung

Tuần phim được tổ chức nhằm tôn vinh những tác phẩm phản ánh vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những tác phẩm tham dự Tuần phim tái hiện hình tượng con người Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó khẳng định ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông và công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hiện nay.

leftcenterrightdel
Cảnh trong bộ phim tài liệu “Sống và kể lại”. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân cung cấp

PV: Thông qua tuần phim, những nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân muốn truyền tải thông điệp gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Từ ý nghĩa của các tác phẩm điện ảnh trong tuần phim, đội ngũ những người làm điện ảnh nói chung và Điện ảnh Quân đội nhân dân nói riêng mong muốn góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, phát huy những giá trị văn hóa, sức mạnh, sáng tạo trong con người Việt Nam, góp phần tạo nguồn lực nội sinh và động lực để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Các tác phẩm được trình chiếu trong Tuần phim gồm: Phim tài liệu “Hóa giải”, phim truyện “Khúc mưa” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất; Phim tài liệu “Ngày cuối của chiến tranh”, do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất; phim truyện “Sinh mệnh”, do Hãng phim Truyện I sản xuất; Phim tài liệu “Sống và kể lại” của Trung tâm Phim Tài liệu, phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất; phim truyện “Cha cõng con” Tứ Vân Media sản xuất; phim tài liệu “Còn lại với thời gian” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất; phim truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, do Công ty TNHH MTV Phương Nam Phim, Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh (Saigon Concert), Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy sản xuất.

leftcenterrightdel
Hầu hết những buổi công chiếu đều kín khán giả. 

PV: Mảng phim tài liệu là thế mạnh của Điện ảnh Quân đội nhân dân, xin đồng chí cho biết những nội dung của tác phẩm được chọn trình chiếu trong tuần phim này là gì?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Phim tài liệu “Hóa giải” của đạo diễn Vũ Anh Nhất sẽ mở màn cho Tuần phim, kể về cuộc gặp gỡ giữa những cựu phi công Hoa Kỳ và Việt Nam từng tham gia không chiến trên bầu trời miền Bắc những năm chúng ta chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Họ gặp gỡ không chỉ để nhắc lại và làm rõ những sự việc từng xảy ra trong chiến tranh. Họ gặp nhau để những cựu binh Hoa Kỳ được bộc bạch nỗi day dứt về bao tội ác chiến tranh mà không quân Mỹ gieo rắc ở Việt Nam; để những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ thay mặt nhân dân Việt Nam bày tỏ tinh thần bao dung, tha thứ; để hóa giải nỗi đau quá khứ và hướng tới khát vọng xây dựng tương lai hòa bình cho các dân tộc trên thế giới. Bộ phim phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh, nêu cao khát vọng hòa bình, ca ngợi lòng nhân ái của con người Việt Nam, khép lại hận thù để hướng tới những giá trị nhân văn.

PV: Xin đồng chí cho biết nội dung và ý nghĩa của những bộ phim về đề tài chiến tranh được chiếu tại Tuần phim?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Mỗi bộ phim được lựa chọn trình chiếu là một câu chuyện, một màu sắc sinh động, hấp dẫn đã tái hiện hình tượng người lính ở nhiều góc độ trong chiến đấu, sự hy sinh quên mình, những cảm xúc sâu lắng về Bộ đội Cụ Hồ; cũng như cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của chúng ta để giành độc lập, hòa bình thống nhất cho đất nước hôm nay.

leftcenterrightdel
Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân (ngoài cùng bên trái) và các đại biểu tham dự Tuần phim. 

Khúc mưa” là tác phẩm được đầu tư sản xuất bởi Điện ảnh Quân đội nhân dân và phát hành đúng dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khán giả được chứng kiến thời hậu chiến khó khăn, nhiều ngang trái từ góc nhìn của những người lính đã đi qua, đại diện là một cựu chiến binh bán bánh mỳ và thế hệ sau, hiện diện trong hình ảnh Kevil.

"Ngày cuối cùng của chiến tranh" là tác phẩm của biên kịch Đào Thanh Tùng và đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thước thực hiện. 15 năm đã trôi qua kể từ ngày bộ phim tài liệu “Ngày cuối cùng của chiến tranh” ra mắt (2005). Đến bây giờ, bộ phim vẫn còn nguyên giá trị thời đại mỗi khi tới dịp kỷ niệm ngày 30-4 lịch sử. Các nhà làm phim đã đi tìm những đứa trẻ được sinh ra trong ngày 30-4-1975.

Vào ngày đó, ở Sài Gòn, 11 đứa trẻ ra đời, hầu hết được đặt tên là Hòa Bình, Giải Phóng, Thống Nhất, Chiến Thắng, Trường Sơn… Bắt đầu bằng tâm sự của những đứa trẻ đã sinh ra trong khoảnh khắc vỡ òa trong chiến thắng của cả dân tộc, bộ phim đề cập đến cuộc chiến ở một góc nhìn chiều sâu nội tâm. Dù chỉ gói gọn trong thời lượng chưa đến 30 phút phim ngắn ngủi, phim tài liệu “Ngày cuối cùng của chiến tranh” đã mang tới không khí của thời khắc lịch sử 30-4-1975, khai thác cảm xúc của những người có mặt ngày hôm đó. Mỗi nhân vật là cảm xúc khác nhau, câu chuyện khác nhau. 

Bộ phim "Sinh mệnh" của Trung tâm Phim tài liệu, do Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty cổ phần Phim truyện I, đạo diễn Đào Duy Phúc, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn thực hiện là bộ phim về những tháng năm chiến đấu khốc liệt trên cánh rừng Trường Sơn của những người lính trẻ. Bốn chiến sĩ trẻ gồm 2 nam, 2 nữ trong một binh trạm Trường Sơn luôn ao ước có được một đứa con. Và sinh mệnh ấy đã được chào đời trong một trận bom khốc liệt, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ còn là những ước muốn mong manh…

Sống và kể lại” là bộ phim do Đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hoàng Lâm viết kịch bản và thực hiện. Trong phim, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra dấu ấn chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh sâu sắc đối với mỗi cựu binh có mặt tại cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị, song không chỉ dừng ở đó, hơn cả những nỗi bi thương, bộ phim còn mang thêm một thông điệp quan trọng khác. Đó là sự trân trọng đối với cuộc sống hòa bình mà chúng ta đang có, giống như những nhân vật trong bộ phim đã khẳng định: "Chúng ta là những người may mắn vì qua cuộc chiến ác liệt mà vẫn còn sống. Nhưng tốt nhất vẫn là làm sao để không xảy ra chiến tranh. Chiến tranh rất tàn nhẫn, đất nước không có chiến tranh là hạnh phúc, cực hạnh phúc!".

Còn lại với thời gian” của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hồng Chương; biên kịch Lại Văn Sinh thuộc dòng phim tài liệu hậu chiến. Ở đó góc nhìn của nhân vật, góc nhìn của đạo diễn thấm thía bao chiêm nghiệm thời gian. Nhịp phim lắng nỗi buồn da diết, xót xa với thân phận của người ra đi và người ở lại. Nhưng cao hơn hiện thực khắc khoải ấy, là những giá trị về tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa được khắc sâu, được giữ gìn như lẽ sống, kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai. 

Các bộ phim được công chiếu là những tác phẩm điện ảnh đã đạt nhiều giải thưởng cao quý, được đầu tư công phu, giàu ngôn ngữ điện ảnh. Điện ảnh Quân đội nhân dân mong muốn thông qua các tác phẩm này nhắn gửi đến thế hệ ngày hôm nay đang được sống, học tập, lao động trong một đất nước thống nhất, hòa bình và phát triển: Hạnh phúc ngày hôm nay có được là nhờ sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Hai bộ phim truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Cha cõng con” đều đã được trình chiếu rộng rãi ở các rạp chiếu phim, tại sao Điện ảnh Quân đội nhân dân lại chọn hai tác phẩm này để trình chiếu ở Tuần phim?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Victor Vũ thực hiện. Đó là câu chuyện về tuổi thơ đầy hoài niệm, đầy “giông bão” trong ký ức của mỗi người. Nơi ấy, có một cậu em trai suốt ngày lẽo đẽo theo anh để phải hứng chịu những trận đòn vô cớ, những giận hờn trời ơi bởi người anh lớn hơn vài tuổi. Nơi ấy, có những bãi ngô xanh mượt, những cánh đồng bát ngát để chạy chơi thả diều, đá cỏ gà, bắt ốc… Nơi có mái nhà xiêu vẹo, có ba, có má, có những ngày khốn khó chạy lũ đói ăn. Và nơi ấy, có một cô bạn nhỏ để ban ngày chí chóe chửi nhau “sao ngu quá vậy” và đêm về len lén viết thơ tình tặng nàng… Bộ phim thể hiện vẻ đẹp văn hóa của một vùng quê miền Trung Việt Nam, cùng với tình cảm gia đình, tình yêu quê hương rất sâu lắng.

Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng, biên kịch Bùi Kim Quy là câu chuyện kể về người cha tên Mộc và cậu con trai Cá trên vùng sông núi quanh năm phải chống chọi với bão lũ. Hành trình của hai cha con trải dài với những vất vả, nhọc nhằn nhưng nụ cười và sự lạc quan vẫn xuất hiện xuyên suốt, kể cả trong những giây phút khó khăn nhất. Bên cạnh việc tôn vinh cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa vùng cao, bộ phim đã phản ánh những nét đẹp về tình phụ tử, tình cảm cộng đồng, tinh thần lạc quan và ý chí mãnh liệt của con người Việt Nam trước thiên nhiên khắc nghiệt. Đây là hai tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh những giá trị văn hóa dân tộc, phù hợp với chủ đề của Tuần phim.

Điện ảnh Việt Nam còn có rất nhiều bộ phim khác chất lượng cao, tuy vậy, với khuôn khổ thời gian hạn chế của Tuần phim, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã cố gắng lựa chọn và liên hệ để được phép trình chiếu hai tác phẩm này.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Hầu hết các buổi công chiếu đều kín chỗ, thậm chí phải kê thêm ghế phụ, một số khán giả phải đứng để xem phim nhưng ai cũng vui vẻ và mãn nhãn với các tác phẩm được chiếu ở Tuần phim.

Đạo diễn Đào Duy Phúc của phim “Sinh mệnh”: Nhờ có Tuần phim của Điện Ảnh Quân đội nhân dân mà chính tôi đã được làm khán giả của những câu chuyện đương đại và quá khứ, những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, thông điệp sâu sắc. Những bộ phim giúp khán giả hiểu hơn về lịch sử, để trân trọng những thành quả hiện tại, và nghĩ về trách nhiệm của mình với tương lai, nghĩ về dân tộc. Nếu chỉ chăm chăm vào giá trị thương mại, thì những bộ phim tài liệu, phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng… sẽ “không có đất” để trụ ở các rạp lấy tiêu chí số vé bán ra để đong đếm. Nhiều bộ phim với giá trị tư tưởng lớn lao sẽ không đến được với khán giả vì sự khắc nghiệt của thương trường. May thay, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã làm được điều đó, những người lính trên mặt trận văn hóa nghệ thuật đã mang những bộ phim có ý nghĩa đến với những khán giả cần, với thái độ trân trọng- trân trọng tác phẩm, trân trọng khán giả.

Khán giả Nguyễn Ánh Vân (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội): Trong số các tác phẩm điện ảnh được lựa chọn tham gia Tuần phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một câu chuyện đầy cảm xúc về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của mỗi người. Bên cạnh tình cảm anh em với những yêu thương, ghen ghét, đố kỵ, hối tiếc, ăn năn… còn là tình cảm bạn bè, kỷ niệm thời thơ ấu của lũ trẻ nhà quê nghèo ở miền Trung cuối những năm 1980. Ở đó có những cuộc cãi vã, đánh nhau; những trò chơi trẻ con thú vị; những giấc mơ cổ tích công chúa, hoàng tử; những hờn giận vu vơ, rung động đầu đời…

KHÁNH LINH (thực hiện)