Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về tác phẩm mà ông dành rất nhiều tâm huyết.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại.

Phóng viên (PV): Sinh ra tại Hà Tĩnh, phải chăng anh viết vở kịch “Khoảng trời con gái” về 10 nữ thanh niên xung phong là để tri ân quê hương, làng xóm và những nữ chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc?

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Tôi sinh ra và lớn lên trong bom đạn ở Phú Lộc, một làng ven Quốc lộ 15. Nơi ấy có Cống 19, đường 28, đường 70 của Đường Hồ Chí Minh. Cống 19, cầu Bạng, Ngã ba Đồng Lộc là một liên trọng điểm bị đánh phá ác liệt; là những biểu tượng chói sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà cũng là nơi ghi dấu vô vàn đau thương trong chiến tranh chống Mỹ. Ở đó, có những câu chuyện bi hùng, những cảnh ngộ, cảnh tượng đặc biệt mà người đời sau khó có thể tưởng tượng nổi. 10 cô gái A4 do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng, trước khi vào Đồng Lộc đã đóng quân, sống và chiến đấu ở Phú Lộc. “Phải viết một cái gì đó về làng mình trong chiến tranh” đó là ấp ủ trong nhiều năm của tôi. Năm nay, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức kỷ niệm “50 năm Chiến thắng Đồng Lộc”, tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của 10 cô gái, đó là động lực thúc đẩy tôi đến với câu chuyện của 10 cô. Tôi tính toán viết kịch bản một tháng, dàn dựng hơn 1 tháng để có thể diễn kịp trước 24-7, ngày hy sinh của các cô. Bắt đầu tháng 5 tôi tìm kiếm bổ sung tư liệu, gặp gỡ các cựu TNXP và chị Đặng Thị Yến, người có công sưu tầm tư liệu về Đồng Lộc từ nhiều năm trước. Ngày 19-5, tôi bắt đầu viết trang đầu tiên. Tôi viết liên tục cả ngày lẫn đêm và đúng ngày 30-5 thì hoàn thành.

PV: Được biết, trong vở kịch này, anh chủ trương tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật như điện ảnh, văn học, báo chí, người dẫn truyện để làm mới vở diễn. Trong vở kịch có chi tiết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua Ngã ba Đồng Lộc, 10 cô gái hay tin tặng ông những bông hoa sim tím và nói: “Chúng cháu thề hy sinh tất cả chứ nhất định không để con đường tiếp viện cho miền Nam giây phút nào bị tắc nghẽn. Xin Đại tướng tin tưởng ở chúng cháu ạ!” Phải chăng đây là tình tiết mang tính điểm nhấn của vở kịch?

Cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua Ngã ba Đồng Lộc, 10 cô gái hay tin tặng ông những bông hoa sim tím.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Cảnh này không chỉ là điểm nhấn của vở kịch mà còn là điểm nhấn của cả cuộc kháng chiến. Đây là bức tranh đẹp, sinh động về chiến tranh nhân dân. Đại tướng luôn có mặt ở những chiến trường có tính chất quyết định. Đồng Lộc là một nơi như vậy. Đây là câu chuyện có thật, lần đầu được đưa lên sân khấu. Chỉ có ở Việt Nam mới có một vị Đại tướng như vậy. Tôi được gặp Đại tướng nhiều lần, hiểu phẩm chất của Đại tướng rất nhân văn, rất tình người; tôi cũng hiểu về 10 cô gái Đồng Lộc. Bản thân tôi cũng là một quân nhân nên tâm niệm phải thể hiện cảnh này một cách chân thực và có tính điển hình. Vì vậy, khi công diễn thì đây là một cảnh thành công của vở.

Còn tích hợp là một chủ ý muốn làm mới sân khấu dựa trên những thành tựu của công nghệ đồng thời phát huy mọi thế mạnh của các loại hình nghệ thuật để diễn tả cho hết, cho sâu hiện thực vĩ đại ở Đồng Lộc năm 1968. Có người nói vở diễn này thiếu xung đột, thiếu thắt nút, mở nút. Đó là cách nhìn quen thuộc. Xung đột lớn nhất của cuộc đời, của con người là sự sống và cái chết; hủy diệt và khát vọng vươn lên; xung đột giữa nhu cầu cá nhân và yêu cầu lịch sử…; những xung đột ấy được thể hiện trong mọi cảnh của vở kịch và các cô đã giải quyết các xung đột ấy bằng sự sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ và hy sinh tuổi thanh xuân của mình. Điều quan trọng là vở kịch đã lấy được nước mắt của khán giả, đã được các cựu quân nhân, cựu TNXP và những người dân đón nhận bằng trái tim của mình.

Một cảnh trong vở diễn.

PV: Tên vở kịch là “Khoảng trời con gái” có phải bắt nguồn từ câu thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ “Cái chết em xanh khoảng trời con gái?"

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Việc đặt tên cho vở kịch là một tìm kiếm dài ngày. Khi viết vở kịch này, tôi có hai quan điểm nghệ thuật rõ ràng: Một là tích hợp, hai là viết như thật. 10 cô gái Đồng Lộc đang ở tuổi đẹp nhất của đời người, các cô không phải sinh ra đã anh hùng, không phải là thần thánh. Trong vở kịch này, tôi muốn nhấn mạnh, muốn làm rõ cái đẹp, cái hay, cái bình thường của cuộc đời con gái. Chữ “con gái” là yếu tố tôi chọn đầu tiên. “Khoảng trời”! đây là khoảng trời xanh của thời con gái, là bầu trời xanh Can Lộc; là cái hữu hạn trong cuộc đời hai mươi tuổi của các cô đồng thời là sự cao xanh vĩnh hằng. Cái từ ấy chợt đến với câu thơ của chị Lâm Thị Mỹ Dạ “Tên con đường là tên em gửi lại/Cái chết em xanh khoảng trời con gái”. Tôi nghĩ, đây là cái tên mà các chị TNXP đã nhắc tôi, cho tôi!

Từ khi còn là một cậu bé 14 tuổi, tôi đã may mắn được gặp 10 cô gái Đồng Lộc. Chính những khoảnh khắc được tiếp xúc với các cô đã in đậm trong tâm trí tôi để sau này hình thành nên tác phẩm “Khoảng trời con gái”.

PV: Vở diễn được phục vụ miễn phí bà con tại Hà Tĩnh, công chúng đón nhận tác phẩm này ra sao?

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Vở kịch này được dàn dựng bằng tiền quyên góp từ những người có tấm lòng hướng về Đồng Lộc. Mặc dù kinh phí eo hẹp nhưng với quyết tâm phải “diễn cho đồng bào tôi xem” đúng dịp kỷ niệm, Ban tổ chức và Nhà hát Dân ca Nghệ An, Trung tâm bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ đã dàn dựng và biểu diễn đúng lịch trình: Ngày 10-7, diễn miễn phí tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Hà Tĩnh; ngày 12-7 tại Ngã ba Đồng Lộc. Với tinh thần tri ân, Ban tổ chức có xe đưa đón cựu quân nhân, cựu TNXP đang sống ở các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh đến xem. Đêm thứ nhất có hơn 1000 khán giả. Đêm thứ hai có khoảng hơn 4000 người xem đến phút cuối cùng. Chính khán giả đã mang đến động lực để chúng tôi thực hiện vở diễn này.

Khán giả rơi lệ khi xem vở kịch "Khoảng trời con gái".

PV: Vở kịch được dàn dựng bởi Nhà hát Dân ca Nghệ An, anh đánh giá thế nào về khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ?

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Vở diễn đã thành công. Ngay sau đêm diễn, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp vật chất, tinh thần để ủng hộ cho việc đi lại của đoàn diễn biểu diễn phục vụ bà con ở quê hương của 10 cô gái.

Tuy nhiên, về mặt nghệ thuật, chúng tôi còn phải hoàn thiện thêm để vở diễn sẽ là một "viên ngọc" sáng như chính cuộc đời của 10 cô gái. Khi đó, hy vọng vở diễn sẽ được trình diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội và các trung tâm nghệ thuật lớn của cả nước.

PV: Xin cảm ơn anh và chúc vở diễn tiếp tục chinh phục khán giả trong và ngoài nước!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)