Khắc phục vấn đề này, các cấp ủy đảng, ban, ngành của thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, phát động, nhân rộng nhiều mô hình xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, bền vững, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình từ mỗi gia đình.

25 năm qua, căn nhà chật hẹp, tuềnh toàng ở phường 13, quận 10 là tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh Nguyễn Phan Khanh, giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ và chị Đoàn Lý Mỹ Em, giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, phường Đa Kao, quận 1. Trò chuyện với chúng tôi, anh Khanh cho biết: "Cuộc sống nơi đô thị luôn phải lo nghĩ về cơm áo, gạo tiền ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của mỗi gia đình. Nhưng vợ chồng tôi luôn chủ động chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ nhau trong cuộc sống".

leftcenterrightdel
Đại diện các gia đình văn hóa tiêu biểu được TP Hồ Chí Minh tuyên dương tháng 6-2018.

Năm 2002, cưới nhau được 5 năm, do đồng lương giáo viên eo hẹp, chị Đoàn Lý Mỹ Em có ý định xin thôi việc để chuyển sang kinh doanh. Nhưng dự định của chị trái ngược với anh Khanh, khiến nhiều việc nhỏ trong sinh hoạt gia đình cũng trở thành vấn đề tranh cãi, dẫn đến tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Mỗi lúc như thế, anh Khanh luôn chủ động kiềm chế, đợi vợ nguôi ngoai mới lựa lời yêu thương phân tích những thuận lợi, khó khăn khi thôi việc, giải quyết tốt mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận vợ chồng và các thành viên trong gia đình. Anh chị đã tìm được tiếng nói chung, động viên, chia sẻ giúp nhau vượt khó, xây dựng gia đình hạnh phúc trong 25 năm qua.

Đến gia đình chị Phạm Thị Xuân Mật và anh Nguyễn Hồng Phúc, ngụ phường 7, quận Bình Thạnh, chúng tôi càng hiểu rõ việc chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn của gia đình anh trong cuộc sống hằng ngày. Chị Mật không có việc làm lại thường xuyên đau yếu, nhiều lúc buồn chán, cáu gắt vô cớ. Thấu hiểu tâm trạng của vợ, sau mỗi giờ làm việc ở cơ quan, anh Phúc lại tranh thủ về nhà giúp đỡ mọi việc, động viên vợ chăm sóc con. Được chồng quan tâm chia sẻ, chị Mật đã bớt những ưu phiền, thêm tự tin để hết lòng thương yêu, chăm sóc gia đình. 

Câu chuyện xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc bền vững của gia đình anh Nguyễn Phan Khanh và anh Nguyễn Hồng Phúc là hai trong số 295 gia đình có từ 20 năm đến 30 năm hạnh phúc bền vững tiêu biểu được TP Hồ Chí Minh tuyên dương cuối tháng 6-2018. 17 năm qua, thành phố có hơn 17.000 gia đình được các cấp tuyên dương. Mỗi gia đình tuy có hoàn cảnh khác nhau, song đều có những bí quyết xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc, bền vững với giá trị chung: Tình yêu chung thủy, hiếu nghĩa, tinh thần vượt khó, đề cao trách nhiệm, tôn trọng, bình đẳng chia sẻ, giúp nhau thỏa mãn tình cảm, văn hóa, cuộc sống...

Xây dựng giá trị văn hóa gia đình là một trong những cái gốc xây dựng văn hóa khu dân cư, văn hóa thành phố phát triển bền vững. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát động, nhân rộng hiệu quả nhiều phong trào nhằm cụ thể hóa những giá trị, tiêu chí về chuẩn mực xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc bền vững gắn với tiêu chí xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Nhiều đơn vị, địa phương, khu phố đã thực hiện hiệu quả các phong trào, như: “Gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc”, “Bữa cơm gia đình”, “Người con hiếu thảo”,“Tổ tư vấn cộng đồng”, “Học sinh ba rèn luyện”... Qua đó tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và giữa các gia đình với nhau. Hoạt động này lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc, giải quyết tốt những mâu thuẫn, vướng mắc trong mỗi gia đình, các tập thể, khu dân cư. Thành phố cũng chủ động phát huy vai trò các ban, ngành quan tâm hỗ trợ các gia đình cả vật chất lẫn tinh thần, đối thoại dân chủ, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình điển hình, khắc phục hạn chế, tạo sức lan tỏa trong xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình bền vững từ mỗi gia đình.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN