Tour đặc biệt giới thiệu “nghề học”

Chúng tôi đặt chân đến làng Quỳnh Đôi (hay còn gọi là làng Quỳnh) vào một ngày thời tiết khá đẹp đầu năm 2024. Làn hương trầm thơm ngọt thoảng bay, mặt trời rải sắc nắng, cảnh vật sáng bừng. Đón chúng tôi, dân làng niềm nở như đón những người con xa quê. Nhìn cổng làng bề thế, con đường dẫn vào làng rộng rãi, phong quang, chúng tôi khó hình dung vùng đất này xưa ngập mặn, cây hoang, cỏ dại phủ đầy.

Làng Quỳnh có lịch sử hơn 600 năm. Thực ra dân làng làm nhiều nghề để kiếm sống như dệt, làm bún, hương trầm, nước mắm... Nhưng “nghề học” được lựa chọn làm điểm nhấn giới thiệu với du khách về truyền thống hiếu học, khổ học thành tài của làng. Nghề học không phải nghề bình thường mà là “nghề truyền thống”, có từ xa xưa, góp phần không nhỏ vào diện mạo ngày nay và có lẽ sẽ còn tiếp tục mãi theo dòng chảy của thời gian.

leftcenterrightdel
 Người dân làng Quỳnh Đôi diễn tiểu phẩm "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ". Ảnh: HIỀN VINH

Theo sử làng, đầu thế kỷ 14, cụ Hồ Kha, một quan chức đời Trần, về xem phong cảnh vùng này. Cụ cho rằng đây tuy không phải là vùng sơn thủy hữu tình nhưng sẽ phát triển nên đã quyết ở lại khai cơ lập làng, lấy tên là làng Thổ Đôi, sau đổi thành Quỳnh Đôi. Người Quỳnh Đôi tin rằng, đất của làng có thế phong thủy đặc biệt. Làng Quỳnh không có núi nhưng bốn phía đều có núi hướng về, mà những ngọn núi này theo trí tưởng tượng lại là hình bảng vàng, bút nghiên. Thế nên, sự học có thể phát triển được. Người làng Quỳnh chăm học, trong làng hằng đêm vẫn có thể nghe tiếng đạp vải xen lẫn tiếng trẻ ê a học bài.

Làng cá gỗ bắt nguồn từ câu chuyện kể về người con của làng là Hồ Phi Tích đi thuê trọ để học tập đợi ngày khoa cử. Trong thời gian thuê nhà, bà chủ nhà thấy Hồ Phi Tích ngày ngày chỉ đặt cơm trắng và xin thêm bát nước mắm mà không có thức ăn. Mỗi bữa ăn, Hồ Phi Tích lấy từ trong tay nải ra một con cá được nướng vàng ươm và đặt lên đĩa, sau đó mới ăn cơm. Cuối cùng, bà chủ nhà phát hiện ra đó chỉ là con cá bằng gỗ. Hồ Phi Tích nhìn vào đó để tưởng tượng mỗi bữa ăn cơm đều có cá. Nghèo khó nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, Hồ Phi Tích cuối cùng đã thi đỗ làm quan.

Từ đó, con cá gỗ, ông đồ Nghệ gắn với truyền thống hiếu học, vượt qua khó khăn của đời sống vật chất, điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên mà dùi mài kinh sử để thành tài, cống hiến và xây dựng quê hương, đất nước. Nhờ truyền thống ấy mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác, nhiều người con của làng đã góp tài học xây dựng quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực như: Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ (Hồ Thơm), nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Tam giáp Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương làm quan 4 triều vua Lê; Nhị giáp Tiến sĩ Hồ Phi Tích làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư; Tham tụng (Tể tướng) Hồ Sĩ Đống, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, nhà thơ Hoàng Trung Thông, Nhà giáo-PGS Văn Như Cương...

Tour du lịch thể hiện niềm tự hào của quê hương

“Làng cá gỗ-sau ánh hào quang” là sản phẩm do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với địa phương tổ chức, ra mắt cuối năm 2023. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ rất kỳ vọng vào sự khôi phục và phát triển của ngành du lịch. Muốn làm được điều đó thì du lịch rất cần các sản phẩm mới, độc đáo, hấp dẫn du khách. Tour “Làng cá gỗ-sau ánh hào quang” là sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử, bởi tại mảnh đất này có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, ở đây không chỉ có các di tích lịch sử giàu giá trị mà con người xứ Quỳnh cũng rất hiếu học, trọng tình, mến khách”.

Tour du lịch “Làng cá gỗ-sau ánh hào quang” được thiết kế khá đồng bộ, xoay quanh truyền thống học hành, khoa cử của làng. Cổng làng Quỳnh Đôi nổi bật với hình ảnh đàn cá chép màu đỏ "vượt vũ môn", thể hiện tinh thần chịu thương, chịu khó để thành tài của dân làng Quỳnh nói riêng và Nghệ An nói chung. Ngay dưới chiếc cổng này là tấm bia ghi lại một phần lịch sử của làng. Đây cũng là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ cả Khiêm và Bác Hồ đã rời làng từ hơn 100 năm trước. Dân làng Quỳnh chọn nơi đây làm sân khấu cho hoạt cảnh “Người đã về đây” để gợi nhớ câu chuyện xưa.

leftcenterrightdel
Người dân làng Quỳnh Đôi diễn tiểu phẩm “Người đã về đây”. Ảnh: HIỀN VINH

Gần đó, di tích họ Hồ đại tộc-nơi thờ cụ Hồ Kha cổ kính, uy nghi nằm giữa ao sen, súng, cánh đồng lúa thơm và những rặng phi lao, xà cừ... xanh mát. Đây còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học của con cháu trong dòng họ Hồ nói riêng, của đất học Quỳnh Đôi nói chung. Bên cạnh nhà thờ cụ Hồ Phi Tích là bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, mộ nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, tượng đài Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cù Chính Lan... Họ đều là những người con ưu tú, làm nên tên tuổi của làng Quỳnh, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tự hào giới thiệu với chúng tôi một vòng quanh khu di tích họ Hồ đại tộc, ông Hồ Phi Dũng, người phụ trách trông coi khu nhà thờ dòng tộc họ Hồ bày tỏ: “Là một thầy giáo, đồng thời là người trông coi khu nhà thờ dòng tộc, tôi nghĩ tour du lịch này là một hoạt động ý nghĩa. Người dân trong làng đều cảm thấy tự hào về truyền thống hiếu học của dòng họ, làng quê của mình. Tôi mong rằng nhiều người biết đến làng Quỳnh, về thăm làng và càng mong tinh thần ham học, phấn đấu thành tài của các bậc cha anh tiếp tục lan tỏa cho những thế hệ sau”.

Tour du lịch “Làng cá gỗ-sau ánh hào quang” còn đưa chúng tôi trải nghiệm tiểu phẩm "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ", lớp học đầu tiên của làng, nơi thờ Thần thành hoàng làng, giếng cổ Bà Cả gắn liền hình ảnh gánh nước trượt chân của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, mặc thử trang phục xưa, gánh nước nồi đất và tái hiện cảnh Hồ Xuân Hương lấy nước... Sau tiểu phẩm, chúng tôi gặp bà Trần Thị Châm, người vào vai bà Ẩm Lụa trong tiểu phẩm “Người đã về đây” cũng là người sắm vai gánh nước ở giếng Bà Cả. Vẫn mang trên mình bộ áo tứ thân đậm chất Bắc Bộ, bà Châm chia sẻ: “Chiều tối qua vừa đi làm ruộng, sáng nay tôi đi chợ xong về trang điểm và vào vai. Có thêm các hoạt động của tour du lịch khiến cuộc sống tôi phong phú hơn. Gia đình tôi làm đủ nghề từ buôn bán đồ gốm sứ, cuốn hương trầm... Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia hoạt động văn nghệ, thể dục-thể thao của xã. Tour du lịch tạo công ăn việc làm cho người làng, thu nhập tuy chưa nhiều nhưng giúp chính chúng tôi hiểu hơn về quê hương mình. Chúng tôi vui và tự hào hơn, nhất là khi xem báo chí, mạng xã hội nói về hoạt động của tour du lịch “Làng cá gỗ-sau ánh hào quang”. Thú vị là khi biểu diễn, nhiều người trong làng lần nào cũng ra xem, động viên tinh thần”.

Ra về, mùi hương trầm vẫn thoảng bay, ngọt ngào, quyến luyến lòng người. Lấp lánh trong lòng mỗi du khách chúng tôi là niềm cảm phục về một vùng đất luôn đề cao sự học, vươn lên thành tài. Bà Nguyễn Lê Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Quả Sơn (Hòa Bình) nhận xét: “Tour du lịch rất ý nghĩa và nhân văn. Cụm từ “dân cá gỗ” bị nhiều người sử dụng để chỉ người dân xứ Nghệ nghèo khổ, nhưng tôi cho rằng đây chính là niềm tự hào của mảnh đất địa linh nhân kiệt này”.

Ghi chép của MINH NHÃ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.