Bài thơ "Thế thái nhân tình" của ông rất tiêu biểu cho phong cách này: "Thế thái nhân tình gớm chết thay/ Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy/ Hễ không điều lợi, khôn thành dại/ Đã có đồng tiền, dở cũng hay/ Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi/ Hẳn hoi không hết một bàn tay/ Suy ra cho kỹ chi hơn nữa/ Bạc quá vôi mà mỏng quá mây".

Kết cấu theo lối diễn dịch với luận điểm khái quát chung là "Thế thái nhân tình" (tên bài thơ) để 8 câu của bài như những luận cứ sinh động chứng minh. Hai câu đề nhận xét đích đáng về một trạng thái “gớm chết thay”. “Gớm chết” vì “lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy”. Người xưa dùng “túi càn khôn” chỉ trời đất, vũ trụ. Nhưng xã hội đảo điên nên cả vũ trụ bao la cũng thu gọn lại chỉ trong một chiếc túi đựng tiền lúc vơi, lúc đầy. Hai câu thực làm đúng chức năng mô tả thực tế về quyền năng của lợi ích và đồng tiền có thể làm biến cải, lật ngược chân lý: “Hễ không điều lợi, khôn thành dại/ Đã có đồng tiền, dở cũng hay”

Hai câu luận bàn về xã hội giả dối, tráo trở bởi đồng tiền chi phối tất cả: “Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi/ Hẳn hoi không hết một bàn tay”. Một xã hội mà sự “khôn khéo” (tức tri thức, học vấn) lại được đo bằng “ba tấc lưỡi”; sự “hẳn hoi” (tức các mối quan hệ đạo đức, đạo lý) chỉ “không hết một bàn tay” nhỏ bé thì xã hội ấy đã mọt ruỗng đến tận đáy. Câu kết khái quát lại bằng một tiếng mỉa: “Suy ra cho kỹ chi hơn nữa/ Bạc quá vôi mà mỏng quá mây”. Xã hội đã thối nát đến mức chỉ có thể so sánh bằng “bạc quá vôi” và “mỏng quá mây”. Thành ngữ dân gian nói “bạc như vôi”, “mỏng như mây”, mà ở đây còn hơn thế-“bạc quá vôi”, “mỏng quá mây”, tức vượt quá xa mức thông thường, bình thường.

Cấu trúc bài thơ chặt chẽ, cổ điển, bác học nhưng ngôn ngữ lại thật bình dân, là tiếng của khẩu ngữ, thành ngữ để toát lên một thâm ý: Đây là tiếng nói của dân; lời tố cáo, lên án, vạch trần này là của dân. Thơ Nguyễn Công Trứ giàu sức sống, gần gũi với tư duy, tâm hồn Việt vì có gốc rễ từ văn học dân gian, từ lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân.

Bài thơ là một tiếng cười đau đớn, xót xa, một sự cảnh tỉnh, gióng lên tiếng chuông về sự lung lay, mục nát của nền tảng tinh thần xã hội. Thế nên cấu trúc của bài đi theo thế tương phản gay gắt: Lạt/ nồng; vơi/ đầy; khôn/ dại; dở/ hay; khôn khéo/ ba tấc lưỡi; hẳn hoi/ một bàn tay. Cũng là một cách kêu gọi “thế thái nhân tình” lạnh lùng, bạc bẽo ấy cần phải được thay đổi triệt để, chuyển từ trạng thái phi nhân tính sang có nhân tính.

Theo khảo sát cụ thể thì thế giới thơ Nguyễn Công Trứ, chủ đề lên án thế thái nhân tình đen bạc chiếm tỷ lệ 25%; tố cáo, đả kích thế lực đồng tiền là 34%. Điều trăn trở đó nói lên tấm lòng Nguyễn Công Trứ trung thực, yêu lẽ phải, trọng đạo lý và phê phán thói đời “lạt như nước ốc bạc như vôi” (Thế tình bạc bẽo). Ông ghét cay ghét đắng kẻ giàu có mà lươn lẹo, tráo trở: “Mặc sức đâm thùng và tháo đáy/ Tha hồ tráo đấu lại lừa thưng” (Phường danh lợi). Trước sự xuống dốc của “thế thái nhân tình”, sự băng hoại các giá trị đạo đức, mối nhức nhối đến đau đớn của nhà thơ đã kết thành tiếng cười kịch liệt kết án đồng tiền làm đảo ngược các chuẩn mực đạo lý: “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược”, làm biến dạng các giá trị tâm linh vốn được coi là thiêng liêng: “Tiếng xỏng xảnh đầy trong trời đất/ Thần cũng thông, huống nữa là ai” (Đồng tiền). Ý thơ tựa vào tích thời Đường (Trung Hoa) có viên quan Trương Diên Thưởng nổi tiếng xử án công minh. Lần ấy gặp án, kẻ tội hối lộ 3 vạn quan, Trương gạt đi, đưa 6 vạn, gạt tiếp. Kẻ tội đưa 10 vạn, Trương cầm và nói: “Tiền chí thập vạn khả dĩ thông thần” (Tiền đến mười vạn có thể thông được với thần linh). Một khi nạn tham ô, hối lộ làm khuynh đảo mọi mối cương thường, chi phối cả chốn công đường uy nghiêm, thì sự sụp đổ của chế độ ấy chỉ còn là thời gian!

Chất thâm thúy bác học Nho gia; cái hóm hỉnh, sắc sảo của trí tuệ thông minh; cái thông tục suồng sã dân gian hội tụ trong tiếng cười Nguyễn Công Trứ rồi được trao truyền cho Tú Xương sau này. Ngày hôm nay, những tiếng cười ấy cần được vang lên mạnh mẽ để góp phần cắt phăng đi những ung nhọt thói đời xấu xa, những tham nhũng, hối lộ để xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn!

NGUYÊN THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.