Trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", Phạm Tiến Duật nhắc đến những chiếc xe và những người lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khốc liệt. Tác giả tạo cho bài thơ một cách nói, một cách nhìn lạc quan:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

 

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái...

Hình ảnh chiếc xe không kính và người lái xe trên đường Trường Sơn thật độc đáo. Giữa bom đạn, người lái xe nhìn thấy gió, thấy con đường, thấy sao trời và cánh chim. Mọi hình ảnh đều lướt qua rất nhanh. Người đọc có cảm giác Phạm Tiến Duật đang ngồi trên chiếc xe không kính. Tác giả lái chiếc xe của riêng mình băng trong hàng nghìn cây số bom đạn.

Hình ảnh người lái xe: "Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi" thường thấy trong những năm chiến tranh, nhưng có lẽ chỉ Phạm Tiến Duật mới có được, mới chớp được khoảnh khắc ấy để đưa vào thơ mình.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Phạm Tiến Duật. 

Phạm Tiến Duật nói về các cô gái thanh niên xung phong, câu thơ có khi gần gũi, tự nhiên như lời nói thường ngày: "Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái chưa nhìn rõ mặt/ Đại đội thanh niên đi lấp hố bom/ Áo em hình như trắng nhất". Người lái xe gặp cô gái làm đường, gặp trong đêm, ấy thế mà yêu thương, mà cảm thông chia sẻ, mà nhớ nhau. Gặp nhau rất vội, vội nhìn nhau qua ánh sáng đèn dù, chỉ nhận ra nhau qua giọng nói:

Người tinh nghịch là anh dễ thân

Bởi vì thế có em đứng gần

Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là

                                                ...Thạch Nhọn

Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh quanh hố bom

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Anh lặng người như trôi trong tiếng ru...

Qua thơ Phạm Tiến Duật, người đọc hình dung ra cuộc sống gian khổ, ác liệt của lớp người ở Trường Sơn trong những năm chiến tranh. Tác giả nhắc tới người coi kho trong hang đá: "Mười năm sống xa phố xa làng. Tám năm ở trong núi trong hang". Cuộc sống khắc nghiệt nhưng người coi kho vẫn đứng vững, vẫn say sưa kể chuyện về đời mình. Nhờ 3 câu kết, cái thế đứng của bài thơ trở nên vững chãi: "Đồng chí coi kho cười ha hả/ Chẳng có tiếng cười nào/ vang hơn tiếng cười trong hang đá".

Phạm Tiến Duật viết về cô gái lái xe: "Cái buồng lái là buồng con gái/ Vẫn cánh hoa mềm mại cài ngang". Phạm Tiến Duật nghe được tiếng hát của người con gái trong rừng: "Nghe em hát mà anh buồn cười/ Nhịp với phách xem chừng sai cả/ Mồ hôi em ướt đầm trên má/ Anh với mọi người nhìn nhau khen hay".

Ở bài thơ "Cô bộ đội ấy đi rồi", tác giả nhắc tới giây phút hai người chia tay nhau trong một cánh rừng năm tháng chiến tranh. Phạm Tiến Duật là bộ đội và người con gái kia cũng là bộ đội:

Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay

Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá

Anh biết rồi bao nhiêu vất vả

Tháng năm dài cùng nhau đi qua

...

 

Nhớ nhau nhớ nhau ở giữa rừng già

Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát

Cái đêm đói ngồi nghe chim Đắc-tát

Con chó vàng cọ chân em đòi ăn.

Câu thơ giản dị, tự nhiên mà xúc động lòng người. Xin hãy đọc chậm rãi, hãy hình dung ra cánh rừng năm chiến tranh, giây phút người con gái bẻ đốt ngón tay và rưng rưng nước mắt. Dường như sau giây phút bùi ngùi ấy, người con gái cũng lặng yên, người con trai cũng lặng yên và cả cánh rừng cũng lặng yên một màu chia biệt: "Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay/ Nước mắt dễ lây mà rừng lặng quá". Nước mắt dễ lây, lây từ người con gái sang người con trai, lây cả sang người đọc. Chỉ khi cảm xúc thăng hoa, người viết mới tạo được những câu thơ đột biến, xuất thần.

Phạm Tiến Duật rất giỏi đưa chất liệu đời sống vào thơ. Chất liệu trong thơ Phạm Tiến Duật có những cái mới mẻ, táo bạo, có những cái quen thuộc mà hằng ngày ta vẫn gặp. Hãy nghe tác giả nói về đêm, khi màn đêm bao phủ, bằng linh giác, tác giả vẫn nhận ra:

Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích

Kéo pháo lên trận địa đồng cao

Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu

Đấy là đuôi khẩu pháo

Tiếng anh đo xa điểm đều nhịp chày giã gạo

Vang ở đâu, đấy là giữa trận đồ

Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ô tô,

Những đoàn xe đi như không bao giờ hết,

Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm.

Như đàn con trẻ chơi u chơi âm

Đứa này nối hơi đứa khác.

Phạm Tiến Duật nhắc tới vùng rừng Trường Sơn những năm chiến tranh: "Cũng vương tóc rối chân gà/ Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây/ Cũng quần áo ướt phơi dây/ Cũng gầu múc nước ô hay cũng làng". Đi trong rừng, tác giả gặp cây, gặp người. Cây thì bạt ngàn màu xanh, còn người thì dạt dào sức trẻ.

Đi trong rừng, Phạm Tiến Duật nhận ra những vùng rừng không dân, chỉ có nhà mái lá, chỉ có nhà hầm, mái tăng và bạt ngàn màu xanh áo lính: "Phố không có xóm làng không có/ Không có tiếng trẻ gọi bê nghé, gọi gà/ Không có chợ búa, chỉ có rừng già. Lính gặp lính trùng trùng như rừng thẳm". Đi trong rừng, Phạm Tiến Duật thấy được bao nhiêu loài cây và sắc màu hoa cỏ. Có khi từ loài hoa, tác giả cũng tạo được câu thơ hay, giàu tâm trạng: "Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay". Từ cánh rừng Trường Sơn năm chiến tranh với cái nhìn của người trong cuộc, Phạm Tiến Duật khái quát:

Đi giữa rừng sâu câu hỏi lớn như gió rừng

                                                ...thổi mãi

Rằng dân tộc ta trong những năm tháng ấy

Đưa lên rừng mấy chục vạn người con

Không thể nói là không đói không sốt

Ở giữa rừng sâu mấy chục năm trời

Bằng cách nào rừng ơi mà vẫn sống ung dung

                                    ...và đánh thắng

Phạm Tiến Duật rong ruổi trên con đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh cùng những người lính lái xe và những cô gái mở đường. Nhắc đến Phạm Tiến Duật, tôi nhớ các tập thơ: "Vầng trăng quầng lửa", "Ở hai đầu núi" và trường ca "Những vùng rừng không dân", "Tiếng bom và tiếng chuông chùa". Trong thế hệ nhà thơ những năm đánh Mỹ, ông có nhiều đóng góp xuất sắc về giọng điệu thơ, về cách tân thơ. Phạm Tiến Duật dựng nên một tượng đài Trường Sơn hùng vĩ bằng thơ. Phạm Tiến Duật là nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại...

Nhà thơ NGUYỄN ĐỨC MẬU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.