* Phim Việt Nam đang bị “thiếu máu”

* Bộ phim “Trung uý” của Việt Nam đang “cháy vé”

QĐND Online - Đó là phát biểu của nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm tại cuộc “Toạ đàm giải pháp tăng cường sản xuất phim Việt Nam” tổ chức vào chiều 18-10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Tham luận của các đại biểu đã đánh giá đúng thực trạng điện ảnh nước nhà, đưa ra những giải pháp thúc đẩy bộ môn nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam phát triển hơn nữa. 

“Tình hình sản xuất phim của Việt Nam hiện nay còn nhỏ giọt và sáng tạo cầm hơi. Chừng nào chúng ta chưa cảm thấy phim trong nước đang bị thiếu máu thì điện ảnh Việt Nam chưa thể thay đổi”, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhận xét.

Một cảnh trong phim "Trung uý". Ảnh: internet

Theo báo cáo của Tiến sĩ Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Cục điện ảnh, chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật của phim Việt Nam nhìn chung còn thấp so với một số nước trong vùng Đông Nam Á. Phim tốt thì có nhiều nhưng phim hay và hấp dẫn còn quá ít. Ngoài các phim của tư nhân, phim của nhà nước đầu tư không có doanh thu. Cơ sở vật chất kỹ thuật được Nhà nước đầu tư nhiều nhưng vẫn thiếu đồng bộ và chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa chuyên nghiệp. Cơ chế chính sách còn có chỗ không phù hợp với đặc thù sản xuất điện ảnh.

Đề xuất những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành điện ảnh, ông Lưu Trọng Hồng cho biết: “Cần có giải pháp đồng bộ trên cả ba khâu cốt lõi là sản xuất, phổ biến phim và nhân lực phục vụ sản xuất. Cả 3 khâu gắn bó chặt chẽ với nhau; đầu tư cho sản xuất phim là để khuyến khích đầu tư xây dựng rạp, đồng thời phải đầu tư cho đào tạo, bởi nó cũng vừa là mục tiêu vừa là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cả sản xuất và phổ biến phim”.

Ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng tại buổi toạ đàm đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo những người làm điện ảnh. Theo đạo diễn của “Gái nhảy”, một nền điện ảnh không bán được vé thì sẽ chết. Phim làm ra phải đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Hiện nay phần lớn người xem phim là giới trẻ, nếu xa rời bộ phận công chúng này sẽ “thua” ngay trên sân nhà.

“Giới trẻ Việt Nam phân bố trên cả nước nhưng hiện nay chỉ có các bạn trẻ thành thị được xem phim. Vì vậy nếu làm phim mà không nhằm vào khán giả trẻ của thành thị là thua. Ngoài ra tôi cũng có một yêu cầu là cần phải cải tiến phương pháp duyệt phim hiện tại. Có như vậy nền điện ảnh Việt Nam mới phát triển”, đạo diễn Lê Hoàng khẳng định.

Diễn viên, đạo diễn trong nước và quốc tế giao lưu với khán giả Việt Nam

Nhận xét về nền điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây, ông Kim Dong Ho, Giám đốc Liên hoan phim Pusan (Hàn Quốc) cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại đây tôi thất điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển, đặc biệt là các kênh truyền hình. Tôi đánh giá cao nỗ lực của các nhà làm phim Việt Nam. Hiện nay khán giả thế giới chưa biết nhiều về điện ảnh Việt Nam. Vì vậy những nhà sản xuất phim phải tìm cách để đưa phim Việt ra nước ngoài, đồng thời mở rộng, giao lưu với các nhà làm phim quốc tế. Qua đó sẽ thu hút vốn đầu tư của nước ngoài và có cơ hội bán phim cho các nước khác”.

Theo ông Kim Dong Ho, sở dĩ phim Hàn Quốc có những bước phát triển nhanh là do ở Hàn Quốc có một Uỷ ban xúc tiến điện ảnh và cơ quan trực thuộc Chính phủ đứng ra chỉ đạo phát triển nền điện ảnh. “Chúng tôi có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về cơ chế chính sách, tư liệu phim. Tóm lại để phát triển nền điện ảnh, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều”, ông Kim nhấn mạnh.

Trong 3 ngày Liên hoan phim quốc tế tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ có các hoạt động giao lưu diễn viên với khán giả hâm mộ; chiếu phim ngoài trời phục vụ công chúng; giới thiệu các diễn viên và đạo diễn của Pháp tham dự Liên hoan.

10 phim nhựa, 12 phim ngắn tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Việt Nam (VNIFF) lần thứ nhất đã được giới thiệu tại Hội thảo “Giới thiệu phim và các hạng mục tranh giải VNIFF 2010” tổ chức sáng 18-10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đạo diễn của phim “Trung uý” Hà Sơn cho biết: “Trung uý” không phải là bộ phim nói về chiến tranh mà chiến tranh chỉ là cái cớ để tôi kể về một câu chuyện tình. Vì vậy bộ phim là một bản tình ca đẹp thể hiện tình yêu của con người là bất diệt. Qua bộ phim này, tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn trẻ về cuộc sống của những người lính sinh ra trong chiến tranh.

Giới thiệu sơ lược về nội dung bộ phim “Đôi giày đỏ”, đoàn làm phim của Philippines cũng muốn chuyển tải đến người xem vấn đề tình yêu nam nữ. Nội dung phim đề cập đến chuyện tình đẹp của một đôi trai gái cách đây 10 năm, là tình yêu của con người thuộc hai chế độ, hai giai cấp khác nhau đã vượt qua khó khăn để giữ gìn mối tình được trọn vẹn.

Hầu hết những bộ phim nhựa dự Liên hoan đã khai thác triệt để đề tài tình yêu. Theo đại diện đoàn làm phim “Người nước ngoài” của Trung Quốc, đây là bộ phim lần đầu tiên được công chiếu trên toàn thế giới. Nội dung kể về một câu chuyện tình lãng mạn giữa một cô gái người Trung Quốc và một chàng trai người Pháp. Điều sâu sắc của phim là dùng tình yêu chân thực để lý giải sâu sắc những điều xảy ra trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Khánh Huyền