Khai mạc Hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ cho biết: Châu Mỹ là một khu vực đa dạng về văn hóa và mức độ phát triển nhưng cũng sở hữu những đặc trưng hết sức riêng biệt của lục địa do các dân tộc nhập cư thiết lập nên. Sự khác biệt về văn hóa đã dẫn đến sự phát triển khác nhau ở châu Mỹ cũng như giữa châu Mỹ với phần còn lại của thế giới. Bên cạnh đó, khu vực này đang có nhiều biến đổi về mặt văn hóa cũng như những vấn đề mới đặt ra đối với sự phát triển. Hội thảo lần này giúp nắm bắt kịp thời xu hướng biến đổi về văn hóa và phát triển của các nước châu Mỹ, đánh giá đúng bản chất, tác động của các xu hướng, đồng thời đưa ra bài học cho Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế tại sân điện Thái Hòa. Ảnh minh họa: TTXVN

Hội thảo tạo ra một diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu có cơ hội chia sẻ những ý tưởng nghiên cứu hay những trải nghiệm của mình về chủ đề hội thảo, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và khu vực châu Mỹ.

Chia sẻ về phát triển công nghiệp văn hóa Mỹ và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Khánh Ly, Trường Đại học Văn hóa cho rằng, công nghiệp văn hóa là những ngành sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội.

Hiện nay, Mỹ dẫn đầu thế giới về mọi chỉ số phát triển công nghiệp văn hóa như: Số lượng đài phát thanh lớn nhất, tần sóng phát thanh phủ rộng nhất, quốc gia có dân số sở hữu vô tuyến truyền hình lớn nhất trong suốt thập niên 1970 của thế kỷ XX, số lượng hãng phim và phim được sản xuất lớn nhất thế giới, nơi các nghệ sĩ tài danh đa quốc tịch tập trung nhiều nhất... Nước Mỹ trở thành môi trường học thuật lý tưởng nhất thế giới, là điểm đến mơ ước của những người làm văn hóa nghệ thuật cũng như của công chúng yêu văn hóa nghệ thuật trên toàn cầu…. Các sản phẩm văn hóa Mỹ như phim ảnh, âm nhạc, văn học nghệ thuật đóng góp hơn 800 tỉ USD mỗi năm cho GDP nước này, chiếm tỷ trọng lớn hơn các ngành xây dựng, giao thông vận tải và nông nghiệp.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Khánh Ly, từ bài học kinh nghiệm của Mỹ, Việt Nam cần chủ động và liên tục đổi mới về tư duy theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời chú trọng sáng tạo, chắt lọc các giá trị tạo nên sức mạnh mềm của quốc gia; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia thông qua các sản phẩm văn hóa; xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế.

Tiến sĩ, Nguyễn Lan Hương, Viện Nghiên cứu châu Mỹ đánh giá, văn hóa là trụ cột quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Các quốc gia sử dụng văn hóa để phát triển sức mạnh mềm của mình trong mối quan hệ với các quốc gia khác. Đồng thời, với sự phát triển của khoa học công nghệ và phong trào đổi mới, sáng tạo, văn hóa không chỉ góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mà còn phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo hình thành nên nền kinh tế sáng tạo thế giới nói chung và Mỹ nói riêng.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề văn hóa và những ảnh hưởng tích cực mà văn hóa đã mang lại. Một số đại biểu đề xuất, Việt Nam cần có những chính sách để bảo tồn và phát triển những đặc trưng văn hóa của mình. Ngoài ra, cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa.

TTXVN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.