Thói ngồi lê đôi mách có căn nguyên sâu xa từ tâm lý văn hóa tiểu nông. Thời điểm nông nhàn rảnh rỗi, nhiều người quê vô công rồi nghề nên thích đàn đúm, tán gẫu, mà những chuyện được mang ra bàn tán nếu không phải là thứ tào lao, vô bổ thì cũng là những thứ nhỏ mọn được đưa ra mổ xẻ theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư”, dễ gây tò mò cho người khác.

Trong tổng số 22 tật xấu của người Việt được khảo sát trên 2.000-3.000 người mà GS, TSKH Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra qua một đề tài khoa học năm 2015 (do Nhà nước đặt hàng) thì có 3 tật xấu gồm: Thói tò mò, tạo dư luận (chiếm 36%); tật ham vui, thích buôn chuyện (44%); bệnh nói xấu sau lưng (58%). Những thói/tật/bệnh này vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của thói xấu ngồi lê đôi mách.

Đặc điểm chung của những kẻ hay lê la, đôi mách là lắm lời, nhiều chuyện, họ có thể biến chuyện nhỏ thành chuyện to, thêu dệt sự việc "tam sao thất bản", làm biến dạng bản chất vấn đề. Theo chuyên gia tâm lý học, những kẻ hay ngồi lê đôi mách thường chứng tỏ/thể hiện bản thân là người quảng giao, biết đủ thứ chuyện trên đời, kể cả chuyện "thâm cung bí sử", thông qua đôi mách để lôi cuốn người khác chú ý về mình. Hệ lụy của sự đôi mách là gieo rắc những nghi hoặc, đố kỵ giữa mọi người, trong khi mình lại có thể được hưởng lợi từ động cơ nhỏ nhen, ích kỷ thông qua thủ thuật xảo trá “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người” mà người khác không dễ nhận ra.

Một người dân thường mắc tật ngồi lê đôi mách đã là đáng trách. Nhưng đáng trách hơn, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thời nay cũng chưa từ bỏ thói xấu này. Những người này được gọi bằng những cái tên mới thoạt nghe có vẻ đầy “ngạo nghễ” nhưng thực ra là ám chỉ sự khinh thường và rất cần cảnh giác, như: “Chiếc camera di động”, “Người xăm xoi khắp nơi”, “Kẻ phán xử toàn tập”, “Diễn ngôn hơn cả diễn viên hề”, “Người buôn dưa lê vĩ đại”...

Trong khi công sở còn bao nhiêu việc phải lo toan, giải quyết cho dân, cho nước thì vẫn có “người nhà nước” không những không tận dụng “8 giờ vàng ngọc” mà lại hay lê la, tụ tập thành từng nhóm, từng phe để hóng chuyện, “buôn” đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện quốc gia đại sự đến chuyện trong nhà, ngoài phố, trong đó dễ lọt tai, lôi cuốn sự chú ý của người khác là chuyện nội bộ của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Dân gian có câu: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Trong khi việc của mình, của cơ quan, đơn vị mình thì không làm đến nơi đến chốn, nhưng việc của người khác, việc không phận sự đến mình thì lại quan tâm săn đón nhiệt tình thái quá. Đáng phê phán nghiêm khắc hơn, có những việc nội bộ nhạy cảm cần giữ kín kẽ, bảo mật tuyệt đối, nhưng những kẻ ngồi lê đôi mách đã tận dụng triệt để thiết bị công nghệ thông minh để nhanh chóng tán phát thông tin bí mật ra ngoài hòng “mua vui, lấy lòng” người khác, những thông tin, sự việc “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc giữ gìn đoàn kết nội bộ của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, trong đó giao tiếp là con đường cơ bản để con người kết nối, củng cố, tăng cường các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, để không trở thành “cái loa” nói năng nhăng nhít, linh tinh và kể lể những chuyện tào lao, vặt vãnh, hay biến mình thành kẻ “ưa hóng chuyện, hay moi chuyện, ham mách chuyện”, mỗi “công bộc”, “đầy tớ” của dân chớ quên lời tiền nhân răn dạy: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” (bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra).

Để tránh ẩn họa này, thay vì lan man, mải mê những chuyện ngoài lề, mỗi người hãy chú tâm đến trách nhiệm công vụ đích thực, coi trọng những giá trị thật, nỗ lực làm việc thật để cống hiến bằng những kết quả thật, thành tích thật, sản phẩm thật cho tổ chức, cơ quan, đơn vị và rộng hơn là cho cộng đồng, đất nước, xã hội.

DƯƠNG ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.