Thú chơi thanh nhã này tương truyền xuất hiện từ thời Lý và tồn tại tới ngày nay. Hẳn phải có những lý do nào đó, trò chơi dân gian này mới có sức sống lâu bền đến vậy. Chúng ta cùng nhau thử lý giải. Trước hết, về mặt tâm linh, trò chơi này có ý nghĩa “phóng sinh", đượm màu sắc Phật giáo. Thứ đến, các công việc như lựa tìm những con chim bồ câu hội đủ các đặc điểm: Ức nở, mắt sáng, lông dày, mình thon, chắc khỏe…; việc chăm sóc, dạy dỗ, huấn luyện đàn chim một cách công phu… đều là những công việc khá thú vị.

Cạnh đó, nhìn đàn chim chao liệng, thi đấu, từ chỗ còn rõ đôi cánh vỗ xập xòa đến khi chỉ còn là những chấm nhỏ li ti trên bầu trời trong xanh, cao rộng… người chơi nào chả thấy mãn nhãn, thỏa lòng. Chưa nói, nhìn con chim bồ câu, người ta liên tưởng tới những gì tốt đẹp. Bồ câu gợi tới sự trong sáng, chất phác, hiền hòa, thân thiện. Bồ câu có vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi: Bộ lông màu tro ấm áp, tiếng gù êm ái. Bồ câu là biểu tượng của hòa bình, yên vui và hạnh phúc…

Chỉ chừng nấy thôi, ta cũng đủ thấy thi thả chim bồ câu là một trò chơi cuốn hút, hấp dẫn. Và đối với một số người, đó không chỉ là thích thú mà còn là một niềm say mê.

Bồ câu dự thi là loại “bồ câu bay", không phải “bồ câu thịt". Loại bồ câu này có những đặc điểm tự nhiên rất thú vị. Thân chim hình thoi, thon gọn, có tác dụng làm giảm sức cản của không khí khi bay. Đuôi chim xòe cụp là cái bánh lái tuyệt vời. Cánh chim to bản, khi xòe rộng thành một đôi quạt gió có sức đẩy mạnh mẽ, khi cụp lại thì áp gọn vào thân. Bồ câu là loài chim có khả năng định hướng tốt, có tính bầy đàn cao… Những đặc điểm này khiến bồ câu có thể đáp ứng rất tốt những yêu cầu của cuộc thi.

Thi thả chim bồ câu là một trò chơi cuốn hút, hấp dẫn. Ảnh: NGÂN PHƯỢNG

Sinh thời, bố tôi cũng nuôi chim bồ câu bay và cũng có cái thú tham gia các cuộc thi thả chim bồ câu bay. Đó là vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Bố tôi là thành viên của một hội gồm những người cùng chung sở thích chơi chim bồ câu bay bấy giờ. Hội chỉ khoảng bốn, năm chục thành viên, chủ yếu ở làng tôi và các làng lân cận. Có cả những người chơi chim bồ câu khá nổi tiếng ở mạn Hoài Đức, Chèm Vẽ… Hội này có điều hay, đó là sự gặp gỡ của những người thuần túy cùng chung sở thích, cùng có niềm say mê, chứ không hề đại diện cho một làng xã, một đơn vị nào. Mà đã cùng chung sở thích, say mê thì họ quý trọng nhau, gần gũi, thân tình như người thân trong nhà. Hội này quy ước mỗi năm tổ chức thi chim bồ câu bay một lần, tại tư gia của một thành viên trong hội, vào dịp nông nhàn mùa thu tháng Tám âm lịch.

Năm ấy, gia đình tôi đăng cai tổ chức cuộc thi. Từ hôm trước, cả nhà tôi đã rộn rịch chuẩn bị. Nào là dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, dỡ mấy tấm phên giại ở hiên nhà cho thoáng rộng, tháo bộ cánh cửa bức bàn ra, rồi kê xuống nền nhà để hôm sau bày cỗ. Nào là chuẩn bị khâu hậu cần sao cho chu đáo, tươm tất. Dù chỉ là mấy mâm xôi, mấy vò rượu quê, vài cái thủ lợn, mươi cặp chân giò…

Hôm sau, từ sáng sớm, trên mấy ngả đường vào nhà tôi, các đội thi từ đâu túa đến tấp nập. Mỗi đội khoảng hai người, xách tay hoặc gánh toòng teng hai cái lồng chim nhỏ xinh. Lồng chim có đáy tròn như một cái mâm, ở trên là một cái chụp tựa cái lồng bàn đan bằng những nan nhỏ được vót chuốt công phu. Bên trong là 8 chú chim bồ câu đang nhộn nhạo rục rịch không yên. Ở góc sân nhà tôi, các lồng chim dự thi được đánh số thứ tự để tiện khâu tổ chức. Mỗi lồng chim được phủ một vuông vải điều hoặc mảnh vải màu chàm vui mắt.

Khoảng chín giờ sáng, cuộc thi bắt đầu. Từng đội dự thi lần lượt xách lồng chim ra giữa sân. Theo thứ tự, sau hiệu lệnh là ba tiếng trống dõng dạc của ban giám khảo, lồng chim được mở toang, lũ chim cất cánh bay. Lúc đầu còn chệch choạc, chưa rõ đội hình. Chỉ khoảng mấy phút sau, lũ chim bay lên cao theo hình xoáy trôn ốc. Mọi người chăm chú, thích thú nhìn theo từng vòng lượn đẹp mắt của đàn chim cứ nhỏ dần, mờ dần trên bầu trời xanh ngắt. Có người còn lấy chậu nước để quan sát đường bay của đàn chim trong làn nước. Các lồng chim được mở tiếp nối nhau trong sự hồi hộp, náo nức của những người dự thi.

Khi cuộc thi khép lại, ban giám khảo cũng làm việc xong, chủ nhà trịnh trọng bê mâm mời các cụ, các đội thi dùng bữa. Cơm no rượu say, khoảng hai giờ chiều, các đội thi hồi hộp nghe ban giám khảo công bố giải. Đội đạt giải cao thì vỡ òa vui sướng, vỗ tay đôm đốp. Đội không vào giải thì xì xào bàn luận và tỏ ý tiếc nuối. Nhưng tất cả đều vui, vì đã được chứng kiến một màn thi sôi động, hấp dẫn và mãn nhãn.

Tôi còn nhớ có năm, đàn chim dự thi của gia đình tôi được giải cao. Giải thưởng năm đó là những cái bát, cái đĩa sứ Giang Tây trắng muốt, có viền vàng, có hoa văn đẹp mắt. Những cái bát, cái đĩa sang trọng này được gia đình tôi cất giữ cẩn thận trong ngăn giữa tủ chè như một thứ đồ trang trí. Chỉ dịp Tết Nguyên đán mới mang ra lau sạch rồi bày lên mâm cỗ ngày Tết cho vui mắt. Thời đó, ở thôn quê, những thứ này là đồ quý hiếm, lại còn ít nhiều thiêng liêng, bởi đó là giải thưởng của một cuộc thi.

Thi thả chim bồ câu bay là một thú chơi lành mạnh, thanh nhã và không kém phần hấp dẫn. Thú chơi này cũng như hội thi thả chim bồ câu bay truyền thống, thể hiện nét đẹp văn hóa của người dân trong vùng, của cộng đồng cư dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ tự bao đời…

LÊ HỮU TỈNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.