Hiện nay, mạng xã hội có thể được xem là môi trường sống mới của con người thời công nghệ. Do đặc tính liên kết và giao tiếp bằng công nghệ nên con người không cần phải xuất hiện trực tiếp mà thông qua các giao thức được lập trình. Việc che giấu được con người “thật” của mình là cơ hội cho những tạo dựng “ảo”, vừa mâu thuẫn lại vừa rất khó kiểm nghiệm. Từ môi trường mạng xã hội nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, trong đó hình thành một kiểu người luôn trưng ra bộ mặt đạo đức nhưng lại rất mâu thuẫn với con người đời thực của họ.

 Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản.

Chỉ xét riêng trong giới văn nghệ sĩ trí thức ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy nhiều chuyện vừa hài hước, vừa đáng thương, đáng trách của lối sống đạo đức “mạng” này. Một nhà văn nọ, vì có chút tiếng tăm, trên mạng xã hội cũng có ít nhiều ảnh hưởng, thu hút được khá đông người xem, đọc, yêu thích, bình luận và chia sẻ. Điều đó xem ra bình thường. Tuy nhiên, khi trở thành người nổi tiếng thì sức ảnh hưởng của ông cũng lớn.

Những câu chuyện đạo đức được đề cao, phân tích, đánh giá, thậm chí là dùng để phê phán những kẻ thiếu đạo đức, tha hóa, biến chất. Điều này cũng tốt, nhờ đó lan tỏa được tinh thần liêm chính. Tuy vậy, ít ai biết rằng, đằng sau những tạo dựng ảo đó, ông lại là một người từng ve vuốt chính những kẻ mà ông ta phê phán. Thậm chí, những kẻ tha hóa mà ông phê phán kia chính là người chu cấp kinh phí cho ông ngao du dưới mỹ từ “thực tế sáng tác”. Nói trắng ra, những điều vừa nêu trên vốn là lẽ thường của cuộc mưu sinh, cộng sinh.

Giá ông cứ im lặng, đừng lên giọng đạo đức, như thể là mình chưa hề nhiễm bẩn, như thể tay mình chưa hề nhúng chàm và mình cũng liêm khiết từ chối những mưa móc từ kẻ tha hóa, thì đã không sao. Đằng này, ông muốn dư luận thấy ông là người công chính, trong khi bản thân ông trong thực tế cũng là kẻ tha hóa, thậm chí là vô đạo khi “qua cầu rút ván”, “ăn cháo đá bát”. Ông có dám phê phán mình không? Ông có dám thừa nhận những lần bán mình cho quỷ dữ của ông không? Ông không dám, ông giấu đi, để trưng ra khuôn mặt đạo đức của mình trên mạng. Như thế, cái đạo đức của ông có đáng tin, có thuyết phục không? Kẻ tha hóa, biến chất đã bị trừng trị. Còn ông? Lương tâm và đạo đức thực sự sẽ luôn chất vấn những gì ông đã làm.

Vẫn là chuyện đạo đức "mạng", lắm khi tôi không thể hiểu nổi, tại sao có những người, cái gì cũng chê. Chợt nhớ, một bình luận xửa xưa khi người ta nói về Vũ Trọng Phụng, đại ý rằng, nhà văn nhìn đời bằng cặp kính đen. Quả thực, nhiều văn nghệ sĩ trí thức trên mạng xã hội chả ưa thứ gì, thấy cái gì cũng là sai, là hỏng. Đành rằng, trí thức là phải phản biện, là khắc khoải băn khoăn đi tìm chân lý.

Nhưng, không phải hắt chậu nước là hắt luôn đứa trẻ. Phê mà đúng, có chứng cứ, có phân tích thì mới thuyết phục được người khác. Đồng thời, trong cái phê ấy, biết nhận ra cái cần trân trọng, cái cần phát huy, đồng thời ghi nhận được tâm sức, trí tuệ của người làm, ấy mới là cái đạo cần giữ vậy.

Có lần, vui miệng, tôi hỏi: "Anh hay phê phán như vậy, theo anh phải làm thế nào?". Thật hồn nhiên, trí thức nọ nói: "Làm ngược lại!". Đó là cách nói rất thiếu trách nhiệm, nó cho thấy những điều mà anh ta cao giọng trên mạng là thứ đạo đức trá hình, thứ công chính ngụy tạo, nguy hiểm hơn, nó che mắt nhiều người khác, làm tình hình trở nên rối hơn, tiêu cực hơn.

Đó là lúc ta nhận ra, đạo đức “mạng” là một thứ cần phải được xem xét tỉnh táo và dành cho nó sự cẩn trọng khi tiếp nhận. Không phải cứ ai lên giọng đạo đức cũng là người có đạo đức. Điều đó thì không phải là “ảo”.

TS NGUYỄN THANH TÂM