Chả biết cái tên nôm đó có từ thuở nào, nhưng với đầu óc non nớt của chúng tôi ngày ấy, “dân Kẻ Láng” là cái tên “quê mùa một cục” mà hễ ai vô tình hay cố ý nhắc tới, chúng tôi ghét lắm. Thậm chí đã từng xảy ra xích mích giữa hai nhóm học sinh xã tôi và một xã lân cận chỉ vì những câu đùa dai dẳng của họ. Bởi nói đến “dân Kẻ Láng” là vô hình trung gợi lại những năm tháng đói kém, dân làng tôi lênh đênh tứ xứ đi làm thuê khắp thiên hạ.

Làng tôi có nghề mộc truyền thống từ lâu đời. Khi tôi mới lên sáu-tuổi cắp sách đến trường học “lớp vỡ lòng”-thì thấy rất ít bóng dáng thanh niên trong làng, ngoài ngõ vì họ đã đi làm thợ mộc xa quê. Thời đó, trai làng tôi thường chỉ học hết lớp 7, lớp 8 rồi theo người lớn đi làm “phó nhỏ”. Gọi là “phó nhỏ” vì họ vừa nhỏ về tuổi đời, vừa nhỏ về khả năng, trình độ làm nghề mộc. Tốt nghiệp cơ sở trung học, bố mẹ tôi cũng có ý định cho tôi theo các anh đi làm nghề mộc. Tôi nghĩ, nhà đã có những ba anh trai đi làm nghề mộc là quá đủ nên tôi đề nghị bố mẹ cho mình tiếp tục học lên phổ thông trung học. Cách đây hơn ba chục năm, cả xã khoảng một vạn dân mà số người đi học phổ thông trung học chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu hết họ đều thuộc diện con nhà có kinh tế khá giả. Phải bàn đi tính lại nhiều lần và bằng sự quyết tâm rất lớn của ba anh trai, hai chị gái, tôi mới được tiếp tục đi học.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo nên đối với tôi, được lên huyện học ở trường phổ thông trung học là niềm hạnh phúc lớn trong đời. Vào những tháng ngày nghỉ hè cuối thập niên 1980, tôi vẫn phải tranh thủ theo chân các anh trai ngược lên mấy huyện biên giới heo hút của tỉnh Hà Giang để làm “phó nhỏ” kiếm thêm tiền đóng học phí. "Xẻ", "cưa", "đục", "bào"-những động từ mới nghe đã cảm giác thấy nặng nhọc, thế mà tấm thân cao khoảng mét sáu và nặng chưa đầy năm chục ki-lô-gam của tôi đã từng trải qua những ngày tháng trực tiếp làm các công việc nhọc nhằn đó.

leftcenterrightdel
Một tay nghề trẻ ở khu phố Đồng Lý, thị trấn Thanh Lãng làm sản phẩm đồ gỗ cao cấp. Ảnh: ANH THẢO 

Nghề làm mộc thủ công vất vả mà thu nhập thấp. Làm lụng nhẫn nhại quanh năm mà thợ lành nghề nào chi li, tiết kiệm và làm giỏi giang lắm thì cũng mang tiền về nhà mua được vài ba tấn thóc là nhiều. Tuy nhiên, so với làm ruộng ở nhà vẫn khá hơn. Quê tôi ở miền đồng bằng, đất đai canh tác tương đối phì nhiêu, song vì cung cách quản lý, làm ăn chưa thoát khỏi bao cấp nên phần lớn người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà đời sống vẫn không được sáng sủa thêm là mấy. Tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi thi đỗ vào một trường sĩ quan Quân đội. Ngày lên đường nhập ngũ, trong tâm trí tôi còn đọng lại bao kỷ niệm gian khó, lận đận của một thời niên thiếu sau lũy tre làng.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Hơn ba mươi năm qua, tôi đi học và công tác xa nhà. Bây giờ, mỗi lần có dịp trở về quê, lòng tôi lâng lâng một niềm vui khó tả. Con đường từ thị trấn Thanh Lãng lên trung tâm huyện Bình Xuyên trước đây nắng bụi mưa lầy, giờ đã được trải nhựa phẳng lỳ. Những con mương bờ đất trên những cánh đồng lúa nay đã được kiên cố hóa bằng xi măng thẳng tắp. Toàn bộ các con đường thôn xóm xưa kia chỉ toàn là đất sỏi, giờ đã được thay bằng một lớp bê tông sạch sẽ. Từ trụ sở ủy ban, điểm bưu điện văn hóa đến trạm xá, trường tiểu học và trung học cơ sở đã được xây dựng khang trang, hiện đại. Trước những năm đổi mới, cả xã chỉ có khoảng hơn chục ngôi nhà hai tầng được coi như những ngôi “biệt thự” thì nay nó đã trở nên già nua, nhường chỗ cho hàng trăm ngôi nhà ba, bốn tầng với thiết kế hiện đại chả khác phố phường là mấy. Dọc hai bên đường chính dẫn đến trung tâm thị trấn, các dịch vụ như quán cà phê, giải khát, internet, quầy bán văn phòng phẩm, hiệu may, hiệu cắt tóc, cửa hàng kinh doanh các loại hàng hóa... tuy chưa sầm uất như ở khu vực đô thị, song dáng dấp phố xá đang được định hình rõ nét mà vẫn không làm mất đi hình dáng một làng quê.

Dân làng tôi vẫn gắn bó với nghề mộc của ông cha để lại, nhưng lao động thủ công nặng nhọc đã được thay thế hoàn toàn bằng máy móc. Nhịp điệu “cò cưa kéo xẻ” bằng cơ bắp nhọc nhằn và tiếng đục lách cách buồn bã của đôi tay đã lùi vào dĩ vãng. Cung cách làm nghề mộc “đèn nhà ai người nấy rạng” theo kiểu manh mún ngày xưa đã không còn. Nhiều gia đình biết góp vốn với nhau, mở mang các xưởng mộc lớn để làm bàn, ghế, giường, tủ, cửa, cầu thang, đồ gỗ cao cấp... cho các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Vào thăm các gia đình làm mộc ở quê tôi hiện nay chỉ nghe thấy âm thanh ro ro của máy cưa, máy xẻ, tiếng động vang rền của máy bào và tiếng chạm rin rít của máy khoan. Những người dân quê tôi đã đổi mới suy nghĩ và lề lối làm ăn, vì thế, thu nhập từ nghề cha truyền con nối đã tăng lên gấp dăm bảy lần. Cái cảnh vác cưa, cầm đục đi khắp thiên hạ xin làm thuê kiếm sống chỉ còn trong ký ức những người thợ lứa tuổi ngũ tuần về trước.

Sản phẩm mộc Thanh Lãng tinh xảo, đa dạng, phù hợp với yêu cầu sử dụng của các gia đình ở cả nông thôn, thành thị và công sở. Một phương thức làm kinh tế thời hiện đại được mở ra để nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu nghề mộc truyền thống Thanh Lãng có cơ hội vang xa khắp thị trường trong nước. Không giản đơn nghĩ chỉ học hết trung học cơ sở cho biết tính toán cộng, trừ, nhân, chia là đủ rồi đi làm thợ mộc kiếm sống, nhiều năm qua, từ làng trên đến xóm dưới, đâu đâu người dân quê tôi cũng nói chuyện với nhau phải cho con cái chí ít là học hết bậc trung học phổ thông, hơn thế là lên đại học mới “mở mày, mở mặt” với thiên hạ được. Phong trào học tập từ đó mà lan tỏa trong cộng đồng và thấm sâu vào nếp nghĩ mỗi ông bố, bà mẹ. Hầu hết các dòng họ đã thành lập quỹ khuyến học để động viên con cháu phấn đấu và quyết chí học hành tiến bộ, thành đạt.

Tôi có một thói quen thường lệ là nếu về thăm quê vào dịp tháng bảy và Tết Nguyên đán thì nhất định sẽ ra thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ quê nhà để thắp mấy nén nhang tưởng nhớ các bậc anh hùng dũng sĩ đã ngã xuống cho sự bình yên của dân làng hôm nay. Mảnh đất quê tôi đã thấm máu đào của gần 200 liệt sĩ, vì thế, mỗi lần đứng trước đài tưởng niệm và những hàng mộ trắng, tôi tự nhủ mình phải sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời và quê hương.

Cách đây 23 năm, ngày 3-2-2001, vào đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi hòa cùng niềm vui với bà con xã nhà dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi và một người bạn gái vào đền thờ Thánh Mẫu (đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia) thắp hương để cầu phúc. Ngôi đền uy nghi tọa lạc bên một cây đa trầm lặng, cổ kính. Rất ít khi làm thơ, song lúc đó, trong lòng tôi bỗng trào dâng một cảm xúc phấn chấn:

Cây đa sừng sững giữa làng/ Vi vu cành lá theo ngàn tiếng ru/ Trải bao sương gió nắng mưa/ Tự ngày xưa đến bây giờ còn đây/ Dạn dày một dáng thân cây/ Đạn bom không sợ thân lay, cành rời/ Thẳm sâu lòng đất chơi vơi/ Rễ cây bám trụ một đời gian truân/ Buồn vui thời thế xoay vần/ Dạt dào nhựa sống vẫn phần tươi nguyên/ Góp gom từng hạt đất mềm/ Chắt chiu từng giọt nước thềm long lanh/ Để nuôi bao nụ non xanh/ Lớn lên thành những lá cành sum suê/ Những ngày biên giới xa quê/ Bóng đa thấp thoáng hiện về năm canh.

Cây đa đứng đó như một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao thăng trầm của người dân quê tôi và nó như một bằng chứng về sự sinh tồn hiên ngang, bất khuất của "dân Kẻ Láng".

Sau này tìm hiểu, tôi mới hiểu chữ “kẻ” là tên dân dã để chỉ một cộng đồng đã cư trú lâu năm trên một vùng quê có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời. Trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện nay có gần 30 làng nghề truyền thống, thì một số làng nghề nổi tiếng trong vùng đều có chữ “kẻ” như Kẻ Cánh (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên) có nghề gốm; Kẻ Mỏ (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc) có nghề mộc và Kẻ Láng quê tôi cũng có nghề làm mộc từ hàng trăm năm qua nên đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề truyền thống. Bởi thế, giờ đây, tôi không cảm thấy cái tên nôm “Kẻ Láng” thô kệch, cục mịch, mà nó trở nên gần gũi, thân thương, vì đó là bóng dáng quê hương và một phần hồn cốt của đời tôi.

Ghi chép của PHÚC NỘI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.