Những câu chuyện đối diện khung ảnh

Tại triển lãm, người dân tại Thành phố mang tên Bác đã chứng kiến phút giây trùng phùng của những cựu chiến binh và nhiều nhân chứng sống của ngày toàn thắng.

Họ đã cùng nhau ôn lại những ký ức khó quên qua từng tấm ảnh xưa cũ, về truyền thống hào hùng của dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần sáng tạo của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong không khí mà dòng chảy thời gian như chậm lại, có một đôi mắt trầm tư, long lanh sâu thẳm, in hằn những vệt chân chim nơi khóe mắt đang cố căng lên nhìn vào tấm ảnh với tựa đề “Ngày 30-4-1975, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn”; rời khỏi ánh mắt ấy, lại thấy một tấm thân đã hao gầy qua thời gian, đó là bà Vũ Thị Minh Nghĩa (sinh năm 1947, Đội 5 Biệt động Sài Gòn).

“Hôm 30-4 năm ấy, tôi cùng đồng đội còn chạy vòng vòng thành phố để kiểm tra các mục tiêu quan trọng. Biết là đã chiến thắng, chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe Honda, vừa chạy vừa bấm còi xe, người dân biết là quân cách mạng, vui mừng đổ ra đường vẫy tay hò reo... Còn ngụy quân, chúng thi nhau tháo chạy, kẻ xin hàng, kẻ cởi bỏ quần áo lính vứt bừa bãi trên đường vì sợ bị tiêu diệt. Quân đội ta khi ấy thấy địch chạy, chỉ bắn chỉ thiên, vì dẫu sao cũng vẫn là người cùng dòng máu Việt”, bà Nghĩa hồi tưởng.

 Các nhân chứng lịch sử tham quan trưng bày.

“Có lẽ xúc động nhất trong ký ức của tôi khi ấy là trên dọc đường đi, chúng tôi đã bắt gặp cảnh nhiều người khi thấy chiến sĩ cách mạng, họ không giơ bàn tay lên vẫy chào, mà họ đưa lên 2 ngón tay. Chúng tôi nhận ra ngay! Đó là ám thị, là biểu tượng cho ước vọng sau hai năm kể từ năm 1954, dân tộc sẽ đoàn tụ, non sông liền một dải! Thế mà phải đến năm 1975, ước vọng năm ấy mới thành hiện thực...”, bà Nguyễn Thị Bích Nga (sinh năm 1951, Đội B8 Biệt động Sài Gòn), đứng cạnh bà Nghĩa, bộc bạch.

Cách đấy không xa, Thiếu tá Trần Kiến Quốc (sinh năm 1952, kỹ sư viễn thông quân sự, sau này là giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự), trầm ngâm trước tấm ảnh “Thanh niên sẵn sàng tình nguyện lên đường vào Nam đánh Mỹ”. Ông Quốc cho biết, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng đoàn thuộc Đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự) tiếp quản Hệ thống thông tin viễn thông của Mỹ nguỵ để lại sau ngày giải phóng. Ông nói: “Hồi đánh Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy, hết 56 ngày đêm, tướng De Castries đầu hàng; cho tới Chiến dịch Hồ Chí Minh dài 55 ngày đêm, quân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngụy quyền đầu hàng vô điều kiện. Tới nay đã 50 năm, một thời oanh liệt, tương lai thế hệ trẻ phải sống trong hào khí, làm rạng rỡ hơn nữa tinh thần, tinh hoa dân tộc ta, thứ mà thế hệ lớp lớp người khi ấy cũng còn rất trẻ đã mãi mãi kẹt lại ở tuổi 19, đôi mươi để đổi lấy!”.  

Từ ngày toàn thắng đến thế hệ trẻ hôm nay

Thông qua triển lãm, bên cạnh những khoảnh khắc hội ngộ giữa những người đồng chí, đồng đội năm xưa, còn là cơ hội để thế hệ trẻ, những người sinh ra trong thời bình hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, vun đắp lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.

Bạn Nguyễn Thị Yến Nhi (sinh năm 2002, tại Gò Vấp) cho hay: “Tôi rất ấn tượng với hai tấm ảnh “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị mở rộng (từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975) quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam” và “Quân ủy Trung ương họp ngày 9-1-1975 đề ra phương án tác chiến cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975”. Tôi cảm thấy bản thân như nhập vào những cuộc họp quan trọng, hiểu được không khí hồi hộp, nghiêm trang khi xưa. Những cuộc họp như vậy sẽ quyết định thắng hay bại, những bài học, câu chuyện lịch sử mà ngày nay chúng tôi được học tập, biết tới”.

Những bức ảnh tư liệu và hiện vật ghi lại khoảnh khắc quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh được giới thiệu tại triển lãm.

Cùng lúc đó, trong không gian công chúng đang say sưa ngắm nhìn trưng bày, chợt vang lên giọng nói phấn khích: “Trời ơi! Lúc này bác ý được trao cờ rồi chính sau này trở thành người cắm cờ trên Dinh Độc Lập đấy!”. Đó là một nhóm các bạn học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng đang háo hức, tay chỉ vào tấm ảnh “Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng xe tăng nhận cờ Quyết Thắng trước khi đơn vị hành quân vào giải phóng Sài Gòn”. Học sinh Trần Minh Huy (Lớp 9a5, Trường THCS Hai Bà Trưng) hào hứng chia sẻ: “Em đã thấy nhiều về hình ảnh Trung úy Bùi Quang Thận cắm cờ giải phóng trên Dinh Độc Lập, nhưng đây là lần đầu em thấy hình ảnh bác Thận khi nhận lá cờ giải phóng đó trên tay. Những khoảnh khắc đó thật thiêng liêng biết mấy, em rất biết ơn và hạnh phúc khi bác Thận đã hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ, trọng trách của mình”.

Bước ra khỏi chuyến du hành vào thăng trầm lịch sử qua những tấm hình, trở lại với thực tại, trong không gian và thời gian giao thoa giữa lịch sử đỏ lửa và thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng tôi nhận ra cảnh tượng lượng khách tham quan cũng là sự kết nối quý giá mà chỉ có trong thời đại này chúng ta mới được thấy, khi những chiến sĩ quả cảm của quá khứ bên cạnh lớp người trẻ tài hoa của tương lai.

Công chúng được nghe về "thanh âm ngày toàn thắng" thông qua hình ảnh, hiện vật, thuyết minh tại triển lãm. 

“Chúng em rất trân trọng và biết ơn những người anh hùng, chiến sĩ đã quả cảm, không ngại hy sinh, gian khổ để giành lấy độc lập, tự do, hạnh phúc cho lớp trẻ chúng em đang được sống. Các bác, các chú đã nằm xuống để chúng em được đứng lên. Những người anh hùng đã ăn nắm cơm trắng, rau rừng cho chúng em được ăn ngon, mặc đẹp; đã từ bỏ thanh xuân, tuổi trẻ, cho chúng em được lớn lên trong nền văn minh, hòa bình, phát triển. Nhìn vào quá khứ qua những tấm hình tại triển lãm, chúng em càng quyết tâm cống hiến, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, như di nguyện của Bác Hồ!”, nhóm các bạn học sinh lớp 9A5, Trường THCS Hai Bà Trưng bày tỏ.

Bài, ảnh: THÁI PHƯƠNG - BẢO NGÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.