Thấu hiểu đời sống bộ đội nên tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tuấn Long có một phong cách riêng để làm nổi bật hình tượng người chiến sĩ hôm nay.

Phòng làm việc của họa sĩ Tuấn Long trên gác 3 “ngôi nhà số 4” (số 4 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)-nơi chốn quen thuộc của những người làm văn chương, nghệ thuật Quân đội-những ngày này chẳng khác nào một xưởng mỹ thuật, khắp nơi trong phòng là các tác phẩm hội họa, tranh cổ động đủ kích thước...

Bên bàn làm việc, họa sĩ Tuấn Long đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi gửi đi in, xuất bản cuốn sách tranh cổ động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

 Họa sĩ Nguyễn Tuấn Long bên tác phẩm tranh cổ động đoạt giải B.

Cẩn trọng điểm lại những tác phẩm gửi các đơn vị in ấn khổ lớn làm công tác tuyên truyền dịp kỷ niệm lớn của Quân đội, họa sĩ Tuấn Long giọng hào hứng, rằng chưa bao giờ một cuộc phát động sáng tác tranh cổ động về người lính lại thắng lợi lớn như lần này với số lượng 1.394 bức tranh của hơn 700 tác giả khắp mọi miền đất nước gửi về, chứng tỏ đề tài mỹ thuật về người lính Cụ Hồ luôn có sức hấp dẫn.

Lật giở kiểm tra từng trang cuốn sách tranh, họa sĩ Tuấn Long dừng trước tác phẩm “Quân với dân một ý chí” với bố cục sắc nét, rồi cười, nói dù bận rộn nhưng cũng đã dành thời gian để có sáng tác tham gia cuộc vận động. Lấy ý tưởng từ bản chất, quy luật phát triển của Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, họa sĩ đã xây dựng hình tượng anh bộ đội-đại diện cho đội quân chủ lực, bên cạnh là cô dân quân.

Trong cuộc vận động sáng tác lần này có nhiều tác giả thể hiện quân với dân một ý chí, nhưng tác phẩm của họa sĩ Tuấn Long được Hội đồng thẩm định chọn và trao giải B, như đánh giá của họa sĩ Lê Anh Vân-thành viên Hội đồng thẩm định, tác phẩm tuy là hình ảnh quen thuộc nhưng đã tạo nên hình tượng qua phương pháp biểu đạt, tìm được ngôn ngữ thể hiện chính là hai nhân vật trên tranh cùng chung một ánh mắt và hướng nhìn vào một điểm.

Nhìn trực diện bức tranh sẽ thấy hai nhân vật là bộ đội chủ lực và dân quân luôn chủ động trước mọi nhiệm vụ, mọi tình huống; đồng chí bộ đội tay cầm ống nhòm-vật dụng vũ trang-đã nói lên tính chủ động, mang ý nghĩa bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. “Họa sĩ Tuấn Long đã tìm được phương pháp biểu đạt cụ thể, súc tích, bố cục chặt chẽ, đồng thời mang đậm tính nghệ thuật về tình quân dân, đúng như ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động sáng tác tranh cổ động về đề tài người lính”, họa sĩ Lê Anh Vân nhận xét.

Họa sĩ Tuấn Long cũng là một trong số ít quân nhân đang còn công tác là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện anh cũng đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác đề tài bảo vệ Tổ quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh từng giành nhiều giải thưởng cao trong sáng tác mỹ thuật như giải A tranh cổ động Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về “Tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia”.

Là người lính, hiểu đời sống bộ đội nên ngoài dòng tranh cổ động, họa sĩ Tuấn Long còn gửi gắm tài năng hội họa vào hình tượng người chiến sĩ hôm nay qua những tác phẩm thể hiện ở các chất liệu sơn dầu, bột màu, như: “Lính biển”, “Đồng đội”, “Lời người lính biển”, “Mục tiêu và người lính”... tạo sức cuốn hút riêng, được giới chuyên môn đánh giá cao thông qua các cuộc thi sáng tác và triển lãm tranh khu vực cũng như toàn quốc.

Bài và ảnh: VIỆT LAM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.