Tôi sinh ra tại Yên Mô (Ninh Bình)-mảnh đất chiêm trũng xen lẫn núi đá vôi. Nhiều năm về trước, kinh tế chủ yếu của quê tôi là trồng lúa. Những người nông dân chân lấm tay bùn suốt ngày quanh quẩn với đồng ruộng nên ít có điều kiện đi đây đi đó. Thanh niên thế hệ chúng tôi phần lớn là vào phía Nam làm công nhân cho các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai để mong thay đổi cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp cấp trung học phổ thông, tôi đứng trước hai lựa chọn: Một là đi làm công nhân như các anh chị của mình, hai là cố gắng học tập tốt.
Tôi may mắn được gia đình tạo điều kiện đi học và đỗ vào một trường đại học tại Hà Nội. Như một lương duyên, ngày mới nhập trường, cậu bạn đầu tiên tôi quen lại là người Phú Thọ. Khi biết tôi chưa có dịp lên Đền Hùng, cậu bạn ngỏ ý mời tôi về miền đất Tổ. Thế là chúng tôi lên đường.
 |
Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng trong lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương năm 2024. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Trên chiếc xe máy cũ của bạn, hai chúng tôi rong ruổi hành trình đi theo Quốc lộ 32, qua Sơn Tây, Ba Vì, thị xã Phú Thọ, rồi TP Việt Trì. Qua mỗi vùng đất mới, cậu bạn tôi như một hướng dẫn viên du lịch tận tình giới thiệu. Đối với người chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng như tôi ngày đó, những cảnh đẹp hữu tình của vùng đất Tổ quả thật quyến rũ lòng người.
Tôi đến Đền Hùng với lòng lâng lâng khó tả. Tôi men theo những bậc thang lên đền Trung, đền Hạ, đền Thượng, đền Giếng, thành tâm dâng nén hương tưởng nhớ đến các Vua Hùng đã có công dựng nước. Tôi chạm vào từng cành cây, bậc thềm rồi thả hồn mình vào những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết về thời đại Hùng Vương dựng nước.
Nguồn sức mạnh dân tộc được bắt đầu từ mối tình đặc biệt của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, sinh ra 100 người con. 50 người con theo cha xuống biển, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi; 49 người con theo mẹ lên núi, khai sơn, phá thạch phát triển kinh tế và giống nòi. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu xưng vương (Hùng Vương) lấy quốc hiệu Văn Lang từ thuở đó.
Theo dòng chảy của thời gian và những chứng cứ lịch sử đã chứng minh 18 đời Vua Hùng kế tiếp nhau, vua tôi uống chung dòng nước mát. Vua dạy dân cấy lúa, gieo hạt, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải... cùng chống chọi với thiên nhiên, giặc giã để giữ gìn, phát triển Nhà nước Văn Lang.
Từ cái thuở cách đây hàng nghìn năm, cha ông ta đã tạo dựng một kho tàng văn hóa đồ sộ để thế hệ hôm nay được thừa hưởng, tự hào giới thiệu cho cả thế giới về một truyền thống văn hóa nguồn cội tiêu biểu, nơi người dân gọi nhau bằng hai chữ “đồng bào” thân thương. Tôi dừng lại trước tấm bia đá ở bậc cửa đền Giếng khắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tự hào truyền thống Tiên Rồng, quyết tâm giữ vững cơ đồ, các thế hệ con dân đất Việt đã đoàn kết đứng lên đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược để đất nước được hưởng hòa bình, tự do; nhân dân được hưởng hạnh phúc, cuộc sống ngày một khấm khá.
Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, tôi có nhiều dịp được đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Mỗi lần đặt chân đến vùng đất thiêng, tôi tự thấy mình nhỏ bé như hạt cát khi đứng trước anh linh của các đấng linh thiêng. Được chứng kiến từng đoàn người, từ trẻ nhỏ đến người già hành hương về với cội nguồn đất Tổ, trong tôi càng thêm sự tự hào về truyền thống giống nòi, về tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử thăng trầm.
Qua thời gian, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ và nhân dân cả nước, Khu di tích lịch sử Đền Hùng nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, xây dựng các hạng mục mới để xứng tầm với giá trị một di tích quốc gia đặc biệt, nơi cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
HOÀI PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.