Những vần thơ trên trong thi phẩm “Tống biệt hành” của nhà thơ Thâm Tâm đã khắc sâu trong tâm trí của một thế hệ cha anh ôm chí lớn quyết tâm lên đường đánh giặc, giữ nước mà chẳng mong có người đưa tiễn, tuy xao xuyến mà trầm hùng, tuy có phần bi ai nhưng đầy khí thế. Để rồi hôm nay khi nhắc về Thâm Tâm, lớp hậu thế không khỏi ngưỡng mộ về tài năng và khí chất của người cộng sản.

Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Nhà thơ Thâm Tâm và các nhà văn cùng thế hệ đã để lại một di sản lớn cho nền văn học Việt Nam và nhân cách sống của họ”. Với đồng chí Trịnh Thị Dung, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Cầu Giấy nói riêng và Hà Nội nói chung vui mừng, tự hào khi trên địa bàn có thêm một số tuyến phố mới, trong đó có phố mang tên nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Thâm Tâm.

leftcenterrightdel

Các đại biểu, khách mời tham dự nghi thức gắn biển phố Thâm Tâm. 

Là thế hệ trẻ, điều đầu tiên tôi biết về nhà thơ Thâm Tâm qua thi phẩm “Tống biệt hành”. Khi về công tác tại Báo Quân đội nhân dân (QĐND), tôi có nhiều cơ hội tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Không chỉ là nhà thơ, ông còn là nhà báo - chiến sĩ, phóng viên mặt trận của Báo Vệ Quốc quân (tiền thân của Báo QĐND), người thư ký tòa soạn mẫu mực. Trong nhiều câu chuyện về nhà thơ Thâm Tâm, tôi ấn tượng nhất về tinh thần làm việc hết mình của ông. Đó là lần ông một mình băng rừng, vượt suối giữa đêm chỉ để sửa một lỗi sai trên bản thảo, cùng câu nói với đồng nghiệp: “Suối lũ đáng sợ, hổ đói cũng sợ. Nhưng báo nói sai sự thật còn đáng sợ hơn cậu ạ!”.

Sinh năm 1917 tại Hải Dương trong một gia đình nhà giáo nền nếp, ngay từ đầu thập niên 1940, Thâm Tâm tham gia viết báo, viết văn, thử sức ở nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả là thơ. Thơ Thâm Tâm có nhiều giọng điệu, khi buồn da diết, khi trầm hùng, bi tráng, khi reo vui, song sâu thẳm là một ý chí lớn. Năm 1946, nhà thơ Thâm Tâm rời Hà Nội đi kháng chiến mà “người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Dù hy sinh năm 1950 và hiện vẫn nằm lại vùng biên viễn Cao Bằng, nhưng nhà thơ Thâm Tâm đã để lại cho đời nhiều tác phẩm lớn; được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Một ngày mùa đông năm 1946, nhà thơ Thâm Tâm rời Hà Nội đi kháng chiến và đã không trở lại. Giờ đây, trong một ngày nắng ấm đầu năm 2024, nhà thơ như được trở về với Thủ đô yêu dấu khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội gắn biển phố Thâm Tâm trên địa bàn phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy).

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các cấp ủy đảng, chính quyền cùng các cơ quan, đơn vị đã ủng hộ, giúp đỡ gia đình, đặc biệt trong đó có Báo QĐND. Ông Nguyễn Tuấn Khoa dẫn lại lời của Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND: Việc Hà Nội đặt tên phố mang tên nhà thơ Thâm Tâm không chỉ là niềm vui của dòng họ, gia đình liệt sĩ mà còn là sự tự hào, vinh dự lớn đối với các thế hệ những người làm báo ở Báo QĐND.

Nhiều năm qua, những câu chuyện gắn với nhà thơ Thâm Tâm đều xúc động, từ hành trình tìm mộ nhà thơ đến quá trình sưu tầm di cảo của ông. Qua lời kể của ông Nguyễn Tuấn Khoa, tôi được biết, từ năm 1999, nhà văn Văn Giá đã sưu tầm được khá nhiều truyện và kịch của Thâm Tâm đăng trên "Tiểu thuyết thứ bảy", lưu trữ trên microfilm, mang bản in từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, cùng với gia đình tiến hành số hóa và năm 2000 xuất bản “Truyện ngắn Thâm Tâm” gồm 38 truyện và kịch ngắn.

Không chỉ người Hà Nội mến mộ tài năng của Thâm Tâm mà trước đó Hải Dương đã có tên phố Nguyễn Tuấn Trình; Cao Bằng đã thêm tên Thâm Tâm vào ngân hàng tên phố. Chúng ta ngưỡng mộ và học hỏi được nhiều điều từ nhà thơ Thâm Tâm. Vậy điều gì từ Thâm Tâm đã soi sáng con trai mình? Nhận được câu hỏi này, ông Nguyễn Tuấn Khoa bồi hồi: "Trong cuộc đời, dù có may-rủi, tốt hay xấu thì vẫn phải có một niềm tin như một ly khách ra đi trong “Tống biệt hành”.

Là thành viên trong "ngôi nhà chung" Báo QĐND, chúng tôi tự hào vì có những bậc tiền bối làm báo tài năng, trách nhiệm và Thâm Tâm là một trong số đó. Trong khoảnh khắc tấm biển ghi tên “Thâm Tâm” chính thức góp mặt trên “bản đồ” đường phố Hà Nội, tôi bỗng nhớ đến lời của Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập Báo QĐND, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) rằng: “Báo QĐND đã có những anh hùng, liệt sĩ và giờ có Thâm Tâm được đặt tên phố. Đây là sự trân trọng, trân quý, phần thưởng lớn nhất mà nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung dành cho Thâm Tâm”. 

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.