Một con đường ý nghĩa
“Hà Nội có thêm một đường phố mang tên Thâm Tâm, đây là một tin rất mừng đối với gia đình tôi, là niềm tự hào và vinh dự lớn đối với các con, cháu nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm và với cả dòng họ”, ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai nhà thơ Thâm Tâm vui mừng và xúc động bày tỏ cảm xúc khi tên của cha mình được đặt tại một đường phố, đoạn ngã ba giao cắt phố Trung Kính, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Việc đặt tên phố Thâm Tâm ở Hà Nội ghi nhận sự vinh danh nhà thơ Thâm Tâm đối với Thủ đô, với đất nước. Đây là niềm tự hào của gia đình và cũng là niềm tự hào của quân đội, của quê hương và còn có cả niềm tự hào, xúc động của những thế hệ nhà báo, chiến sĩ của Báo Quân đội nhân dân.
 |
Phố Thâm Tâm. |
Để vinh danh những cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật và đóng góp hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 2004, tại Hải Dương-nơi nhà thơ Thâm Tâm sinh ra và lớn lên, đã có một con đường mang tên Nguyễn Tuấn Trình (Thâm Tâm). Hà Nội là nơi Thâm Tâm trưởng thành, bắt đầu các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, cũng là nơi ông tham gia Văn hóa Cứu quốc, Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến, là nơi cả dòng họ đã về sinh sống từ đầu những năm 30 thế kỷ trước. Bởi thế, việc đặt tên phố Thâm Tâm ở Thủ đô để thế hệ sau được nhớ về một liệt sĩ mà cả cuộc đời luôn dấn thân cho cách mạng và nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm cũng như nhiều thanh niên, học sinh Hà Nội thời kháng chiến, trong cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tuấn Trình luôn khát khao yêu thương, khát khao một cuộc dấn thân, lên đường để giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Khao khát ấy đã được ông thể hiện không chỉ trong thơ mà cả trong văn, trong kịch, giờ đây khi ông đã về với cát bụi thì Hà Nội có thêm một con đường ý nghĩa mang tên Thâm Tâm.
 |
Nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm. |
Nhân đôi niềm tự hào
Bày tỏ cảm xúc khi tên của cha mình được đặt ở một đường phố của Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng cảm ơn chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đặt tên cha tôi cho một con phố ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, cũng là nơi gia đình tôi đang sinh sống. Phố Thâm Tâm nằm cạnh các phố Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Bá Khoản, Tú Mỡ… là các văn nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà”.
 |
Ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm và vợ trên đường phố mang tên cha mình. |
“Khi Hà Nội chuẩn bị phê duyệt tên phố Thâm Tâm, rất nhiều người ở Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân… đã quan tâm theo dõi và chúc mừng, động viên gia đình. Cũng nhân dịp này, gia đình đã tìm lại được nhiều di cảo của cha tôi, từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và tranh ông sáng tác từ năm 1935 đến 1948. Di cảo đồ sộ ấy, cha tôi đã để lại cho con cháu, để lại cho quê hương, cho Hà Nội, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà đúng dịp ông được vinh danh, đặt tên phố ở Hà Nội. Niềm tự hào và vinh dự của gia đình chúng tôi như được nhân đôi”, ông Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ.
 |
Những tác phẩm của Thâm Tâm do Linhlanbooks xuất bản và phát hành. |
Sức làm việc bền bỉ của phóng viên mặt trận
Gần một thế kỷ trước, Thâm Tâm sống ở Hà Nội, tham gia hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật tại Thủ đô với tư cách một họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo. Thâm Tâm đã tham gia Văn hóa Cứu quốc từ năm 1943, các hoạt động trong cuộc khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám. Năm 1946, ông nhập ngũ và rời Hà Nội lên Việt Bắc, làm thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân cho tới ngày hy sinh ở Cao Bằng.
Thâm Tâm không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm như: "Tống biệt hành", thơ in trên Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá, Tiểu thuyết thứ năm... xuất bản những năm trước Cách mạng Tháng Tám mà còn có rất nhiều truyện ngắn, truyện vừa, kịch và cả các tác phẩm hội họa để lại dấu ấn sâu đậm với độc giả cho đến ngày nay.
Quãng thời gian là phóng viên mặt trận, sau đó đảm nhiệm cương vị Thư ký tòa soạn của Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân), Thâm Tâm đã có mặt ở hầu hết các chiến dịch lớn, các trận đánh quan trọng ở Việt Bắc, Đông Bắc và đồng bằng Liên khu III. Chính những năm tháng sống cực kỳ thiếu thốn, gian khổ và chiến tranh ác liệt nhưng vô cùng đẹp đẽ của ông đã tạo nên nhiều cảm xúc cho những sáng tác của Thâm Tâm sau này.
Ông Nguyễn Tuấn Khoa kể: "Có nhiều câu chuyện về cha tôi nhưng có một chuyện ấn tượng nhất đối với tôi là sức làm việc của cha. Lúc còn sống, mẹ tôi kể rằng, cha là người rất cương quyết, đã quyết làm cái gì thì sẽ làm cho bằng được và luôn nghiêm túc trong công việc. Cha có thể vì sự nghiệp mà sẵn sàng hy sinh nhiều thứ khác, điều này được thể hiện rất rõ ở trong tác phẩm "Tống biệt hành", "Vọng nhân hành", "Tráng ca", đó là những bài thơ nổi tiếng nhất của cha tôi. Hơn nữa, ông còn là người rất lãng mạn, điều này được thể hiện trong những bài thơ gắn với huyền thoại “Hai sắc hoa tigôn”...".
Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, một kỷ niệm về thời gian Thâm Tâm làm Thư ký tòa soạn của Báo Vệ quốc quân, đã được đồng đội kể lại khiến ông khâm phục tinh thần làm việc của cha, đó chính là lần Thâm Tâm một mình băng rừng, vượt suối giữa đêm chỉ để sửa một lỗi sai trên bản thảo, câu nói của ông “Suối lũ đáng sợ, hổ đói cũng sợ. Nhưng báo nói sai sự thật còn đáng sợ hơn cậu ạ!” giờ đây vẫn còn nguyên giá trị đối với thế hệ làm báo hiện tại và tương lai.
Thâm Tâm qua đời đã 74 năm, những di sản văn học và báo chí, nghệ thuật của ông do thời gian, chiến tranh nên bị thất lạc khá nhiều nhưng điểm lại hàng trăm tác phẩm đã được tái bản nhiều lần của ông, thế hệ ngày nay vô cùng thán phục về sức làm việc bền bỉ của nhà thơ này. Với Thâm Tâm, viết báo, làm thơ, sáng tác truyện ngắn, kịch, rồi vẽ… không chỉ là đam mê mà còn là nghiệp.
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!”, nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm đã đi về miền mây trắng nhưng tên ông đã thành tên phố và nhiều tác phẩm của ông đã khắc sâu trong trái tim độc giả và trường tồn cùng thời gian.
Nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm (tên thật là Nguyễn Tuấn Trình), nguyên phóng viên mặt trận Báo Vệ quốc quân, tiền thân của Báo Quân đội nhân dân. Ông sinh năm 1917 trong một gia đình nhà nho ở Hải Dương, bắt đầu làm thơ, viết văn từ đầu thập niên 1940, nổi tiếng với thi phẩm “Tống biệt hành”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông công tác trong Quân đội, tham gia làm Báo Vệ quốc quân. Nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm hy sinh ngày 18-8-1950 tại Cao Bằng. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
|
KHÁNH HUYỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.