Công trình “Khu di tích Lâm viên-Bia tưởng niệm Tây tiến” được xây dựng trên diện tích 5.000m2 nằm ở phía tây thị trấn Mộc Châu. Công trình này lấy cảm hứng từ bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng để thể hiện bằng nghệ thuật kiến trúc. Nằm giữa trung tâm của khu di tích là nhà bia. Trên bia khắc nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết ngày 1-2-1947 gửi các chiến sĩ bộ đội Tây tiến. Đó là những giờ khắc đầu tiên của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, nhưng nhiệm vụ Tây tiến đã được các Đội Trinh sát võ trang miền Tây thực hiện từ trước đó 2 năm. Đại tướng khẳng định: “Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí”. Nhà bia được đặt trên một ngọn đồi cao, bên phải là một cái Tháp Lào.
Du khách chụp ảnh lưu niệm bên Bia tưởng niệm Tây tiến.
Phải nói thêm rằng, nhà bia này và cái Tháp Lào đó được xây dựng cách nay hơn 10 năm bởi các cựu chiến binh Tây tiến, trong đó phải nhắc công lớn của “vệ út” Lê Hùng Lâm, người theo đoàn quân Tây tiến từ năm 16 tuổi. Cho đến cuối đời, PGS, TS Lê Hùng Lâm đã đóng góp công sức rất lớn cho việc kêu gọi, vận động và xây dựng nhiều bia tưởng niệm, tượng đài bộ đội Tây tiến ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Thanh Hóa. Trong đó, nhà bia tại thị trấn Mộc Châu có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây chính là nơi bộ đội Tây tiến lớn mạnh và ra quân đánh thắng trận đầu ở Sầm Nưa ngày 20-10-1945.
Cách đây chừng 2 năm, di tích bia tưởng niệm Tây tiến được UBND huyện Mộc Châu xây dựng dự án đầu tư mở rộng thành Khu di tích Lâm viên-Bia tưởng niệm Tây tiến. Dự án được người dân ủng hộ vì thực tế là thị trấn Mộc Châu có nhiều di tích cách mạng nhưng không có một địa điểm khang trang, có quy mô xứng tầm để giáo dục truyền thống, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Vậy là các nhà quy hoạch lấy Bia tưởng niệm Tây tiến làm trung tâm mở rộng thêm ra nhiều hạng mục rất hoành tráng gắn với những cái tên nghe rất ấn tượng như: Pha Luông, Đài tưởng vọng, Vườn lau, Suối hoa… Hỏi ra mới biết, tất cả các công trình kiến trúc này đều được lấy cảm hứng từ bài thơ Tây tiến của Quang Dũng. Ví như Đài tưởng vọng kia là lấy ý tưởng trong câu “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”…
Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, trên đường giới thiệu cho chúng tôi tham quan di tích, nói: “Khu di tích Lâm viên-Bia tưởng niệm Tây tiến sẽ được khai thác như một địa chỉ đỏ về nguồn và giáo dục truyền thống. Hiện nay, huyện đang tích cực sưu tầm những kỷ vật của các chiến sĩ Tây tiến năm xưa để trưng bày trong nhà truyền thống của khu di tích. Riêng việc này, chúng tôi may mắn được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ con, em, người thân của các cựu chiến binh Tây tiến năm xưa”.
Dạo bước quanh khu di tích, tôi gặp nhiều người dân của thị trấn đến tham quan, vui chơi. Quả thực đây là một công trình văn hóa đẹp. Từ Đài vọng tưởng có thể thấy được những thửa ruộng bậc thang vàng óng, hay gác mái, tường rào của di tích đồn Mộc Lỵ; nhìn gần lại thấy những bức phù điêu kể lại câu chuyện của đoàn quân Tây tiến. Anh Cường, một người dân ở bên cạnh khu di tích này, tỏ ra rất hăng hái, nhiệt tình “dịch” giúp chúng tôi những bức điêu khắc hay những cụm tiểu cảnh của khu di tích ra các câu thơ trong bài thơ Tây tiến. Hỏi anh thì được biết, tình yêu Tây tiến đã được trao truyền từ lâu lắm rồi, khi các cựu chiến binh Tây tiến còn khỏe, thường lên thăm nơi đây.
Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ