Tuy vậy, người Ơ Đu vẫn giữ được nét riêng độc đáo của dân tộc mình, điển hình là Lễ hội “Tiếng sấm đầu năm”. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng không thể thiếu của người Ơ Đu. 

Theo quan niệm của người Ơ Đu, thần sấm là vị thần tối cao, khi tiếng sấm đầu tiên trong năm xuất hiện là thời khắc chuyển giao năm mới. Do phải chờ tiếng sấm dựa trên các yếu tố như khí hậu, thời tiết, nên thời gian người Ơ Đu thực hiện Lễ hội “Tiếng sấm đầu năm” thường diễn ra vào khoảng tháng 3 dương lịch. Chị Mọc Thị Nhung, người bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương), cho biết: “Vào thời điểm xuất hiện tiếng sấm đầu tiên, già, trẻ trong bản cùng nhau lấy vung, nồi, mâm đồng ra gõ, hò reo mừng năm mới đến. Chúng tôi bắt đầu thực hiện các nghi lễ cúng truyền thống với 3 phần chính: Lễ đón tiếng sấm tại các gia đình, đón tại nhà thầy mo và lễ đón chung cho cả cộng đồng”.

leftcenterrightdel
Mâm cúng trong Lễ hội “Tiếng sấm đầu năm” của người Ơ Đu. 

Với nghi lễ tại các gia đình, người Ơ Đu cúng tổ tiên trong nhà, cúng thần linh ngoài trời, làm vía, buộc chỉ lên cổ tay con cháu trong gia đình. Đối với thầy mo, đồ cúng phải chuẩn bị từ sáng sớm đến tận khi trời tối mới có thể bắt đầu hành lễ. Ngoài nghi thức giống các gia đình, lễ cúng tại nhà thầy mo sẽ phải thực hiện các nghi thức khác, như: Lễ phong sắc truyền nghề cho thầy mo đời sau, lễ đặt tên cho những người mới được sinh ra, lễ đổi tên cho người trưởng thành...

Anh Lo Đại Tình, chồng chị Nhung chia sẻ: “Mỗi lần lễ hội là cả bản tưng bừng, nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị lễ cúng. Ngày xưa, dân bản còn phải tự vào rừng kiếm thịt chuột, sóc, bắt cá về nướng, rồi nấu cơm lam hoặc xôi; đồ cúng phải đủ 3 màu đen, tím, trắng và rượu nếp cẩm... Bây giờ chúng tôi có thể mua hoặc đổi lễ vật nên đỡ vất vả hơn. Ngày nay, chúng tôi cũng đón Tết Nguyên đán như người Kinh, nhưng vẫn sẽ chọn một ngày lành sau tiếng sấm đầu năm để tổ chức Tết của dân tộc mình”.

Phần quan trọng nhất của Lễ hội “Tiếng sấm đầu năm” là lễ đón chung cho cả cộng đồng. Bắt đầu từ sáng sớm, thầy mo cùng những chức sắc, đại diện các gia đình lên núi, hành lễ cúng bái tổ tiên tại ngôi đền thờ chung. Cúng xong, mọi người kéo về sân cộng đồng thực hiện lễ tạ ơn thần sấm. Thông thường có 5 mâm cúng, 2 mâm đặt ở giữa cho thần sấm và 3 mâm còn lại đặt xung quanh cho tổ tiên. Thầy mo sẽ dâng lễ lên thần sấm và tổ tiên, xin mọi điều tốt đẹp đến với toàn thể bản làng. Thầy mo cúng xong, mọi người đồng loạt chung tay nâng các mâm cúng lên qua đầu để mời thần sấm và tổ tiên. Kết thúc phần lễ, cả bản cùng nhau ăn mừng và hòa vào điệu múa truyền thống.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.