Nhiếp ảnh Việt Nam đã ghi lại những dấu son trong lịch sử cách mạng

Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam ra đời kể từ khi công bố hình ảnh nhân dân Hà Nội tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân Pháp (tháng 8-1945) và hình ảnh Lễ tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những tư liệu quý giá đó cùng nhiều hình ảnh do các nhà nhiếp ảnh chụp tại căn cứ kháng chiến chống Pháp ở Chiến khu Việt Bắc, toàn dân tham gia chống giặc, xóa mù chữ, lập các tổ chức Việt Minh ở làng, bản... là căn cứ để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 147/SL ngày 15-3-1953 thành lập hai ngành nhiếp ảnh và điện ảnh. Sắc lệnh nêu rõ, nhiếp ảnh và điện ảnh tham gia phục vụ kháng chiến, động viên toàn dân chống giặc, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tuyên truyền với bạn bè thế giới về cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Sắc lệnh này là tài liệu quý được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam. Theo đề nghị của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý cho giới nhiếp ảnh lấy ngày 15-3 hằng năm là Ngày truyền thống nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.

Một lực lượng nhiếp ảnh trẻ, nhiệt thành hình thành và phát triển ngay những ngày sau đó. Các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài quân đội đã cùng toàn dân chống giặc ngoại xâm. Các bộ ảnh về chia ruộng cho dân cày, xóa nạn mù chữ qua các lớp bình dân học vụ, chăn nuôi và tăng gia sản xuất ở chiến khu, đặc biệt là bộ ảnh chụp tại mặt trận Điện Biên Phủ, hình ảnh Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê... là minh chứng cho vai trò của nhiếp ảnh báo chí và tuyên truyền trong cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng.

Khoảnh khắc chiến thắng trong phóng sự ảnh “Hành trình xe tăng màu vàng rinh vàng”, đoạt giải khuyến khích Giải Báo chí quốc gia năm 2020. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đội ngũ những người hoạt động nhiếp ảnh nhận được sự quan tâm, chăm lo, giáo dục thường xuyên của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc và nuôi dưỡng của nhân dân đã vừa học, vừa làm, phát triển từ nhỏ đến lớn qua các hệ thống tổ chức ở Trung ương và các tỉnh, thành phố, các hội và chi bộ, các câu lạc bộ (CLB) mà nòng cốt là Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam với tư cách một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hiện nay, cả nước có hơn 1.000 hội viên nhiếp ảnh cấp Trung ương và hàng nghìn hội viên cấp tỉnh. Các tỉnh, thành phố đều có các CLB nhiếp ảnh báo chí hoặc nhiếp ảnh nghệ thuật trực thuộc hội. Riêng Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có gần 100 CLB, tập hợp hơn 1.000 nhà nhiếp ảnh ở các lứa tuổi, đương chức hoặc đã nghỉ hưu trong các ngành, nghề khác nhau...

Các nhà nhiếp ảnh tiền thân tham gia chống Pháp, các nhà nhiếp ảnh trực tiếp chụp và công bố tác phẩm về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước hiện là nòng cốt của giới nhiếp ảnh, là tấm gương sáng tạo nghệ thuật với mục tiêu cao quý, thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho. Chưa bao giờ như hiện nay, nhiếp ảnh với tư cách là một loại hình văn hóa thị giác lại được sử dụng và phổ biến rộng rãi đến như vậy. Việc sử dụng máy ảnh trong đời sống đã phổ biến tới các gia đình, làng xóm với những thiết bị từ đơn giản đến hiện đại. Chỉ vài chục năm, hàng chục vạn hình ảnh, tài liệu quý về đất nước, con người Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử đã được lưu giữ trong các bảo tàng lịch sử, văn hóa và các bộ, ngành, địa phương, phòng truyền thống của các tổ chức đoàn thể quần chúng.

Trong lĩnh vực đối ngoại, ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, hình ảnh một nước Việt Nam chiến đấu kiên cường chống giặc ngoại xâm đã được giới thiệu ra nước ngoài. Từ khi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, bạn bè thế giới lại càng hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam không chỉ kiên cường, anh dũng trong bảo vệ Tổ quốc mà còn có nhiều thành tựu trong lao động sản xuất. Giới nhiếp ảnh Việt Nam trong và ngoài lực lượng vũ trang đã cung cấp cho hàng trăm tờ báo, tạp chí, các nhà xuất bản, các đơn vị tổ chức triển lãm, các công ty du lịch và văn hóa hàng chục vạn hình ảnh ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện và sức sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, phải nhắc tới các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (trong lĩnh vực nhiếp ảnh). 

Cần sự kết hợp, cộng hưởng cả 3 yếu tố để nâng tầm nhiếp ảnh Việt

Nhiệm vụ cao quý phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của giới văn nghệ sĩ qua các thời kỳ lịch sử có những yêu cầu cụ thể vẫn không hề thay đổi. Từ Nghị quyết Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, các nghị quyết của Đảng... cho đến kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (diễn ra tháng 11-2021) đều khẳng định, văn hóa là một mặt trận, văn nghệ sĩ, những người quản lý và trực tiếp phổ biến các tác phẩm văn hóa, văn nghệ có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao giá trị nền văn hóa dân tộc Việt Nam; giáo dục và nâng cao đời sống tâm hồn người Việt Nam, giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.

Trước yêu cầu xây dựng nền văn nghệ, trong đó có nhiếp ảnh trong điều kiện mới, đòi hỏi chất lượng nội dung của tác phẩm cao hơn nhiều. Các câu hỏi tưởng như đã cũ: “Chụp cho ai xem, chụp cái gì, chụp như thế nào?” vẫn cần được các tổ chức nhiếp ảnh, từng người cầm máy phải trả lời. Và còn bao điều phải quan tâm hơn nữa, như: Phản ánh sao cho sinh động hiện thực đất nước mà chủ thể lớn nhất là con người Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế bền vững, tích cực tham gia đóng góp cho một thế giới hòa bình, bảo vệ môi trường sống... Như vậy, các hiện tượng, xu hướng chụp ảnh xa rời hiện thực, mượn danh sáng tạo để làm giả, hời hợt... sẽ bị phê phán. Để hạn chế những nhược điểm này, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của những người quản lý và lãnh đạo nhiếp ảnh, mà trước hết là người chụp với tư cách là cá nhân sáng tạo nghệ thuật đích thực.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Hội thảo “Nhiếp ảnh về đề tài chiến tranh và cách mạng” do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Chính trị và Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (12-1965 / 12-1995) đã phát biểu: “Với mọi ngành nghệ thuật khác khi chiến tranh đi qua, người nghệ sĩ vẫn có thể mô tả lại chiến tranh qua các nguồn tài liệu tin cậy. Nhưng với nhiếp ảnh, nó chỉ có thể mô tả chiến tranh, phản ảnh các mặt thực tế của chiến tranh ngay trong quá trình khói lửa. Khả năng phản ánh trực tiếp, sinh động này là một đặc điểm của nhiếp ảnh. Tính chân thật khách quan ấy, tôi muốn nhấn mạnh, là một cơ sở quyết định giá trị của mọi ngành nghệ thuật. Nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời điểm chuyển tiếp thế hệ. Sự nghiệp nhiếp ảnh đổi mới cần phát huy những truyền thống lịch sử đúng với lịch sử để đạt được giá trị cao đối với các thế hệ ngày nay và cả mai sau”.

 Nhắc lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không ngoài mục đích khẳng định rằng, đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cần không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và trình độ, năng lực, kỹ năng chụp ảnh để có những tác phẩm xuất sắc, có những khoảnh khắc để đời, có những dấu ấn ghi lại cuộc sống, chiến đấu, lao động sản xuất hào hùng, sôi nổi của quân dân ta. Tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao không ở đâu xa mà ở trong mỗi trái tim của nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần lao động sáng tạo, dấn thân, lăn xả vào hiện thực cuộc sống sôi động diễn ra trên mọi miền đất nước, ở mọi ngành nghề, lĩnh vực.

Tất nhiên, để có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc, phản ánh bức tranh hiện thực sôi động, phong phú của quân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngoài tình yêu nghề và tài năng của người cầm máy thì cũng rất cần vai trò “bà đỡ” của tổ chức Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng như sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ, định hướng của cơ quan văn hóa. Chính sự cộng hưởng giữa 3 yếu tố: Tài năng nghệ sĩ-vai trò của tổ chức hội nghề nghiệp-sự định hướng, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp nền nhiếp ảnh Việt Nam có thêm sức mạnh để có thể sáng tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao, lan tỏa trong công chúng, có tác động tích cực đến việc xây dựng con người và văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như Đảng ta mong muốn, kỳ vọng.   

VŨ HUYẾN, Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh