Tác phẩm có nhiều câu chuyện thú vị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng những câu chuyện ấy chỉ là một phần nhỏ trong “gia tài” viết về Bác Hồ kính yêu của Đại tá, GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú.
GS, TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1940, quê ở Phú Yên. Năm 12 tuổi, Trình Quang Phú làm liên lạc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi tập kết ra Bắc. Hơn 70 năm theo cách mạng, ông từng giữ nhiều cương vị trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, báo chí, xã hội... Do tính chất công việc, ông được gặp Bác Hồ nhiều lần. Vui nhất là lần ông được Bác nhớ tên. Đó là năm 1968, khi Bác tiếp đoàn miền Nam đi dự Đại hội Thanh niên, sinh viên quốc tế lần thứ 9 về.
Lúc đó, đoàn đông nên Bác bảo: “Cháu nào giải phóng (ý là cán bộ, chiến sĩ ở chiến trường miền Nam) thì vào gần Bác”. Khi ấy, ông là đại biểu của đoàn đi dự đại hội trở về và được huy chương vàng đại hội cho bức ảnh “Tổ xung kích cắm cờ ở Mặt trận Khe Sanh”. Vì nghĩ mình là phóng viên từ Bắc vào Khe Sanh nên Trình Quang Phú đứng ở vòng ngoài. Khi thấy ông loay hoay chụp ảnh, bất ngờ, Bác hỏi: “Cháu có phải là Hồng Phú không?” (Hồng Phú là bút danh của ông khi ấy). Sau khi trưởng đoàn Trần Văn Tư đứng cạnh Bác xác nhận đúng, Bác vẫy ông lại gần và nói: “Cháu ở chiến trường Khe Sanh là miền Nam rồi”. Bác nói: Thế giới tặng cháu huy chương vàng cũng là tặng những anh hùng dũng sĩ, chiến sĩ miền Nam. Cháu hãy chụp nhiều ảnh chiến sĩ giải phóng hơn nữa”.
 |
GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú nhận Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021-2023. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Những bài viết đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Trình Quang Phú xuất phát từ nhiệm vụ trên giao. Đó là vào năm 1968, ông được điều vào Khe Sanh, sau đó về công tác ở Ban miền Nam của Trung ương Đảng. Do yêu cầu của chiến trường cần những bài viết về Bác, ông đọc, sưu tầm, viết lại và gửi cho báo, đài phát thanh giải phóng. Những bài báo này được cán bộ, chiến sĩ ngoài chiến trường rất thích đọc. Trên đường Trường Sơn, Trình Quang Phú gặp nhà văn Sơn Tùng. Ông nhớ mãi câu nói của nhà văn Sơn Tùng: “Đời Bác, bên cạnh một con người giản dị là một Bác Hồ đầy huyền thoại. Chúng ta không viết thì không ai biết được. Không viết là có tội với lịch sử đấy”. Những điều đó thôi thúc Trình Quang Phú viết về Bác nhiều hơn.
Về sau, nhiều lần ông được phân công đi cùng các đoàn miền Nam ra gặp Bác với danh nghĩa phóng viên Thông tấn xã giải phóng. Những lần ấy, cùng các chuyện được quân, dân miền Nam chia sẻ khiến câu chuyện về Bác của ông ngày càng phong phú. Năm 1969, Bác mất, miền Nam muốn có nhiều bài viết về Người. Để các bài viết hấp dẫn, ông tìm hiểu thông tin đa chiều và càng tìm hiểu, ông lại càng kính yêu, nể phục và muốn viết về Bác nhiều hơn nữa. Năm 1973, theo gợi ý của nhà thơ Bảo Định Giang, ông tập hợp những câu chuyện ấy thành ấn phẩm đầu tay về Bác mang tên “Miền Nam trong trái tim Người”.
Khi nước nhà được giải phóng, việc đi lại thuận tiện hơn, ông quyết tâm theo dấu chân Bác đã từng đi khắp dặm dài đất nước. Theo dấu chân Người, ông là một trong những người đã đề xuất tỉnh Thuận Hải (ngày nay là Bình Thuận và Ninh Thuận) tổ chức tọa đàm về thời gian Bác Hồ dừng chân ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Nhờ đó, ông gặp được một số học trò của Bác ở Trường Dục Thanh như Nguyễn Quý Phầu, Từ Trường Phùng, Nguyễn Đăng Lâu và bà Hồ Tường Vân, con gái cụ Hồ Tá Bang (một trong những yếu nhân sáng lập Trường Dục Thanh và Công ty Liên Thành đầu thế kỷ 20). Tư liệu trong những cuộc trò chuyện với các nhân vật và chuyến hành trình Làng Sen, Huế, Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn này giúp ông hình thành tập ký “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” năm 1996 và đến năm 2023 đã tái bản tới hơn 20 lần.
Nhà văn Trình Quang Phú hiện có 7 đầu sách viết riêng về Bác Hồ, trong đó mới nhất là cuốn “Theo dấu chân Người” ra mắt vào tháng 6-2024. Cuốn sách được nhà văn Trình Quang Phú viết theo sự gợi ý từ năm 1996 của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng cần dành thời gian nghiên cứu về 30 năm Bác Hồ ở nước ngoài. Mất một phần tư thế kỷ, ông mới hoàn thành tác phẩm “Theo dấu chân Người” vì trong cuốn này phải cọ xát nhiều tư liệu lịch sử, nhiều tài liệu giải mật của Bộ Thuộc địa, mật thám Pháp trước kia, nhiều tư liệu có được lại chưa hẳn đã chính xác nên phải cẩn trọng hơn. Để miêu tả đúng hoàn cảnh của Bác khi ở nước ngoài, ông cất công đi lại nhiều lần. Viết về giai đoạn Nguyễn Ái Quốc ở Vladivostok (Liên bang Nga), ông viết xong rồi nhưng chưa yên tâm nên chờ đến đúng tháng 11, thời điểm Bác Hồ đi qua ở đây, để quay lại. Cuốn sách chỉ 6 tháng đã có 4 lần tái bản, bổ sung. So với bản in lần 1, bản in lần thứ 4 có thêm nhiều ảnh tư liệu và những thông tin được cập nhật sau chuyến nhà văn Trình Quang Phú trở lại Quảng Châu và tới Côn Minh (Trung Quốc) vào cuối năm 2024. Tác phẩm này cũng vừa nhận được giải nhất của TP Hồ Chí Minh về Cuộc vận động sáng tác "TP Hồ Chí Minh 50 năm bản anh hùng ca" và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn vinh là một trong 10 tác phẩm tiêu biểu năm 2024.
“Càng đi, tôi càng được thôi thúc viết về Bác nhiều hơn nữa. Tôi nhận thấy rằng, những di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh dù ở quốc gia thuộc thể chế chính trị nào cũng đều được bạn bè trân trọng, lưu giữ. Bạn bè quốc tế trân quý Bác như vậy thì mình là con cháu Bác càng cần viết về Người nhiều hơn để lan tỏa giá trị Hồ Chí Minh”, nhà văn Trình Quang Phú bày tỏ. Với suy nghĩ ấy mà tuy đã 85 tuổi, ông vẫn đang đi và tranh thủ từng giờ tiếp tục viết tập truyện ký về thời gian Bác ở quê, vào Huế rồi “Bác đi muôn trùng non nước” để từ Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước.
Kwai là cách gọi theo tiếng Ê Đê về loài chim chèo bẻo (hay tên khác là chơ-rao, d'rao,...). Loài chim này có đặc trưng rất thủy chung, lạc quan và cần mẫn. Chim Kwai biết đoàn kết nhau, là loài chim nhỏ bé nhưng rất dũng cảm, kẻ thù nào cũng đánh và đánh đến cùng. Tác giả chọn tên tác phẩm theo loài chim này để tượng trưng cho sự bất khuất, kiên trung, tinh thần đoàn kết chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam anh hùng.
|
TÚ LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.