Những ngày này, căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ngập tràn màu sắc với la liệt tre nứa, giấy màu... Bà Tuyến làm ngày đêm, chồng con cũng phụ giúp nhưng vẫn không xuể vì hàng thủ công phải làm rất cầu kỳ, mất thời gian. Chuẩn bị cho mùa Trung thu từ tháng 5, giữa tháng 7, nhà bà đã tấp nập người ra vào đặt hàng, mượn làm nơi cho trẻ học trải nghiệm. Cả nhà ai cũng vui.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến hướng dẫn cách làm ông đánh gậy. 

Mỗi dịp Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến lại nhớ về cảnh cả làng nhộn nhịp ngày trước. Khi ấy, đầu tháng Tám âm lịch là trong làng, ngoài ngõ rộn rã tiếng trống, kèn, rồi ánh lửa đèn Trung thu được bọn trẻ đưa rước quanh làng. Đến rằm, nhà nào cũng có một ông tiến sĩ và hai ông đánh gậy. Nhưng vào giữa thập niên 1990, những món đồ chơi ngoại nhập mới lạ, bắt mắt thu hút khách nên đồ chơi dân gian không còn được ưa thích. Giá một ông tiến sĩ, hai ông đánh gậy có khi chưa bằng cái bánh nướng, bánh dẻo. Người trong làng dần phải bỏ nghề tìm kế mưu sinh khác. Không khí Trung thu cũng phai nhạt. Năm 1997, còn gia đình bà và anh trai lưu luyến giữ nghề. Năm 2008, anh trai mất, chỉ còn gia đình bà vẫn miệt mài với tre nứa, giấy màu.

Gia đình có 3 thế hệ làm đồ chơi Trung thu nên từ bé bà đã được bố làm cho những đồ chơi xinh xắn. Đến năm 7-8 tuổi, cô bé Tuyến đã tập dán bao lưng, dán tay, dán áo, làm gậy... cho bố đánh gậy. Tình yêu với thứ đồ chơi màu sắc, giản dị đi theo bà từ đó, cứ đầy dần theo năm tháng. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 50 năm bà gắn bó với nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, làm ông tiến sĩ giấy theo lối cổ, phần khó nhất là dựng ngai sao cho cân đối, ngay ngắn. Ông tiến sĩ giấy khoanh tay ngồi trên kiệu, đội mão, mặc áo bào với đầy đủ ô lọng, cờ, quạt, lệnh bài. Nét mặt phải hiền hậu, tươi tắn, có hồn. Thông thường một ông tiến sĩ giấy người ta mua kèm cả hai ông đánh gậy trông trăng đứng hai bên, ý chỉ đã học hành đỗ đạt, có quân có tướng. Vào ngày rằm, ông tiến sĩ giấy được bày chính giữa, hai ông đánh gậy đứng hai bên trông trăng và trông mâm cỗ. Khi trẻ em đi rước đèn quay về phá cỗ là được tặng ông tiến sĩ và ông đánh gậy. Ông tiến sĩ được đặt trịnh trọng ở bàn học với thông điệp con cái được bình an, học hành thành đạt. Còn ông đánh gậy tuy bé nhỏ nhưng ăn vận vẫn gọn gàng, đội mũ, đi giày đầy đủ, được treo ở bàn học hoặc bên cửa sổ. Mỗi khi gió thổi, ông đánh gậy nhảy múa cũng giúp con người thư thái. Trước kia, ông đánh gậy thường cầm gươm đao để đánh giặc nhưng nay đã được thay bằng chiếc gậy mang ngụ ý rèn luyện sức khỏe. To hơn bộ tiến sĩ giấy là bộ ông nghè, hai bên theo hầu có quạt vả.

Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Với bà Tuyến, đồ chơi truyền thống không bắt mắt nhưng từ trước tới nay vẫn mộc mạc, đầm ấm thiết tha, nên bà làm vừa để giữ lửa Trung thu, vừa là giữ tình yêu với trẻ nhỏ. Bà Tuyến không khỏi ngậm ngùi khi không nhiều người đủ kiên trì ngồi 10-12 giờ đồng hồ để làm những đồ chơi này. Bé nhỏ như ông đánh gậy đã phải mất 36 công đoạn vô cùng tỉ mẩn. Miệng đọc bài “Tiến sĩ giấy” của nhà thơ Nguyễn Khuyến, bà Tuyến bày tỏ: “Tôi sẵn sàng truyền dạy cho những ai muốn học nghề truyền thống ý nghĩa này”.

Bài và ảnh: YẾN HOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.