QĐND - Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ

Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu

Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng

Mặt trời vàng và mắt em nâu.

 

Xin chào Huế một lần anh đến

Để ngàn lần anh nhớ trong mơ

Em rất thực nắng thì mờ ảo

Xin đừng lầm em với cố đô.

 

Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy

Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền

Nón rất Huế nhưng đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng.

 

Nhịp cầu cong và con đường thẳng

Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu

Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

 

Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt

Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya

Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng

Anh trở về hóa đá phía bên kia.

THU BỒN

8-1993

Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI

Cảm xúc thơ tựa vào tình hoài niệm với không gian lịch sử để bày tỏ tình cảm, họa lại thực cảnh mà tác giả gặp: Xin chào Huế một lần anh đến... từ điểm gặp này sự hồi tưởng ùa về: Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu... Và rồi trong nguồn khởi dẫn tình cảm dạt dào ấy một cảnh sắc Huế, nét tình sử Huế lung linh mờ ảo hiện dần qua những câu thơ trang trọng, phong nhã, da diết, rất giàu tính tạo hình.

Bài thơ chứa đựng trong nó sự khám phá và miêu tả về không gian, thời gian cảnh vật, tâm vật trong một tinh thần sống và cái không - thời gian ấy được dẫn nối bởi một tình yêu. Đó là một chuyện tình vừa cụ thể, với một người con gái áo trắng - mắt nâu, vừa trừu tượng, khái quát với người - em - thành - Huế. Vì vậy, không - thời gian trong cõi thơ này hiện thân như một thực thể sống:

Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng

...   ...   ...

Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...

Hình và sắc trong thơ Tạm biệt rất nổi, gợi, duyên dáng... Đấy là nét đẹp, cái duyên của cảnh sắc danh lam, của con người vùng đất Huế đã đi vào thơ và từ thơ tạo nhịp cho hình và sắc ngoại cảnh trở nên sinh động. Nói vậy là bởi, sông Hương, cầu Tràng Tiền cùng lăng tẩm - ba hình ảnh cảnh quan này đã lồng cộng, nương níu nơi một bóng tình - điểm dẫn chính yếu của cảm xúc là bóng dáng người áo trắng - mắt nâu. Hình ảnh người áo trắng - mắt nâu này luôn hiện hữu trong từng thi ảnh. Và cũng qua từ nhân xưng “anh, em”, nhân vật “em - ước lệ - thành phố”, trong biểu cảm tình yêu cũng đã trở thành một nhân vật trữ tình cụ thể, như cũng bằng xương thịt: Xin chào Huế một lần anh đến/ Để ngàn lần anh nhớ trong mơ... Trong việc dựng không - thời gian nghệ thuật của thơ Tạm biệt, rõ là có hai hình sắc phố phường cùng với hai nhân vật trữ tình đều mang chung tên gọi “em”.

Một thành phố danh lam, cổ sử; một thành phố trẻ trung trong cảm nhận tượng hình máu thịt con người; và một người em áo trắng - mắt nâu, ba hình tượng nghệ thuật, ba biểu cảm tình yêu đó đã phối hợp, tạo nhịp điệu sống động cho câu chuyện tình yêu và chính ba yếu tố cấu thành này đã cùng nhau tạo nên một áng thơ hay vào bậc nhất của Thu Bồn. Và đây cũng là một bài thơ hay viết về thành phố sông Hương núi Ngự.