Với những người dân đất Việt, mỗi khi ca từ, giai điệu bài hát “Dấu chân phía trước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vang lên thì trong lòng ai cũng đều rưng rưng xúc động và biết ơn Người lãnh tụ vĩ đại đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.

Dành tình cảm đặc biệt với Bác Hồ kính yêu và gửi gắm tình yêu đó vào những tác phẩm âm nhạc, nhiều năm qua, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quốc Hưng đã thể hiện các ca khúc về Bác Hồ nhưng với anh, bài hát “Dấu chân phía trước” là một tác phẩm đã khắc sâu trong ký ức của anh từ khi còn là học sinh hệ Trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đến bây giờ, khi đã trở thành NSND và là Trưởng Khoa Thanh nhạc của Học viện nhưng mỗi lần hát đều đem đến cho người nghệ sĩ này một xúc cảm đặc biệt.

NSND Quốc Hưng đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về tâm huyết và tình cảm mà anh dành cho bài hát “Dấu chân phía trước”.

leftcenterrightdel
Video bài hát “Dấu chân phía trước” do nhân vật cung cấp.

Phóng viên (PV): Được biết, anh là một trong số không nhiều ca sĩ thể hiện thành công ca khúc “Dấu chân phía trước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, xin anh cho biết, anh bắt đầu biết đến ca khúc này từ khi nào?

NSND Quốc Hưng: Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất thích bài hát “Dấu chân phía trước”. Vì thế khi đang học hệ Trung cấp của Học viện, tôi đã bắt đầu tập và hát ca khúc. Tôi yêu bài hát bởi lời ca rất sâu lắng, giai điệu mượt mà, sâu sắc. Sau đó, tôi đã dàn dựng ca khúc này cho rất nhiều đơn vị nghệ thuật tham gia các cuộc thi, hội diễn ca múa nhạc.

Bài hát này tôi thu âm và hát ở rất nhiều chương trình khác nhau nhưng bản hợp xướng mà tôi thực hiện thì hát kiểu khác chứ không thu theo bản của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết mà thu theo bản của tôi tự dàn dựng.

Những chương trình về Bác Hồ thì tôi hát rất nhiều bài nhưng đây là ca khúc mà tôi cảm thấy mình dành tình cảm nhiều nhất.

leftcenterrightdel
NSND Quốc Hưng thể hiện ca khúc “Dấu chân phía trước”.

PV: Những nét đặc sắc của bài hát này trong bản thu âm của anh là gì?

NSND Quốc Hưng: Bản gốc mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết có phần hợp xướng khá nhiều, phần sô lô thì hơi ít. Lúc thu thanh thì tôi đẩy phần sô lô của mình nhiều hơn một chút để lột tả sâu hơn ca khúc đồng thời ca ngợi Bác Hồ với tuyến giai điệu về âm nhạc sâu lắng.

“Khi tôi còn là hạt bụi/Người đã lên tàu đi xa/Khi bến Nhà Rồng đầy nước mắt/Bước chân Bác đặt chốn này/Dấu chân không nhẹ như mây/Dấu chân không êm không ấm/Dấu chân không là dấu nắng…” càng nghe thì ca từ cũng như giai điệu âm nhạc càng da diết. Không chỉ với ca khúc này mà hầu hết những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chỉ cần đọc lời ca đã thấy chạm vào tận trái tim chứ chưa nói về âm nhạc.

PV: Đây là một trong những ca khúc hay thể hiện hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Theo anh, chất giọng nào để phù hợp thể hiện bài hát?

NSND Quốc Hưng: Thực ra tác phẩm này của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết cho giọng nam trung sẽ phù hợp hơn. Chất giọng của tôi là nam trầm nhưng quãng giọng lại rộng. Vì thế, tôi hát ca khúc này cũng không gặp khó khăn.

Bài hát có kết cấu âm nhạc rất tình cảm, giai điệu trữ tình, êm đềm, lột tả tình cảm sâu sắc của Bác dành cho dân tộc. Tuyến giai điệu của ca khúc rất nhẹ nhàng, sâu lắng. Những đoạn nào cần lên giọng cao thì lại có hợp xướng hát cùng với tôi. Vì thế, khi hát thì tôi cảm nhận được giai điệu mềm mại.

Khi thu thanh ca khúc, tôi tập trước cho dàn hợp xướng. Sau đó tôi là người thu thanh trước rồi sau đó mới thu hợp xướng. Hợp xướng của tôi cũng khác so với bản nhạc gốc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Mỗi bản thu âm đều có cái hay riêng. Riêng bản của tôi khi thu âm thì phù hợp với chất giọng của tôi. Sở dĩ tôi thực hiện biện pháp thu âm này bởi tôi muốn ca khúc nổi bật hơn bằng giọng nam trầm đồng thời thể hiện tình cảm của mình dành cho Bác. Từ bản hợp xướng rồi trở thành tác phẩm để tôi hát sô lô nhiều hơn ở các sân khấu ca nhạc trong những năm qua.

PV: Là một giảng viên thanh nhạc, anh truyền đạt tác phẩm âm nhạc này cho sinh viên ra sao?

NSND Quốc Hưng: Với ca khúc “Dấu chân phía trước” nếu hát đơn ca thì các em sẽ khó hát bởi cấu trúc của bài hát viết có cả hợp xướng. Vì thế, để hát đơn ca thành những bài thi ở trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì các em vẫn sẽ hát được nhưng không hiệu quả bằng những ca khúc khác.

Đây là một tác phẩm âm nhạc rất hay và người hát phải thể hiện bằng cả trái tim. Nếu chỉ hát đơn thuần thì không thể lột tả được những nét đặc sắc của ca khúc. Đó chính là điều khó. Tôi cho rằng, để hát được ca khúc này thì ca sĩ phải có thời gian rèn luyện tương đối nhiều năm thì mới có thể hát được.

PV: Trong tất cả những ca khúc về Bác Hồ thì bài hát này có phải là ca khúc anh dành tình cảm nhiều nhất không?

NSND Quốc Hưng: Thực ra những ca khúc về Bác Hồ, tôi thấy bài nào mình hát cũng cảm xúc và mỗi bài hát có một màu sắc riêng. Chẳng hạn như bài “Bác Hồ một tình yêu bao la”, đó là một ca khúc mà tôi cũng dành rất nhiều tâm huyết để thể hiện; hoặc bài “Người là niềm tin tất thắng” cũng là một trong những ca khúc mà tôi rất yêu thích. Mỗi bài hát đều thể hiện tình cảm rất riêng của nhạc sĩ sáng tác cũng ca sĩ thể hiện dành cho Bác kính yêu.  

PV: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)