QĐND - Làm thế nào để tránh lối mòn khi thực hiện một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng? Làm sao để có một cách kể chuyện về chân dung, số phận con người trong kháng chiến tưởng chừng đã cũ nhưng vẫn gợi được cảm xúc và cuốn hút người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ?... Đó là những câu hỏi có lẽ không dễ đối với những người làm phim thuộc thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay.
 |
Đạo diễn Đặng Thái Huyền chỉ đạo cảnh quay chiến tranh trong phim “Người trở về” tại vùng núi Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Châu Xuyên |
Dấu ấn của những người trẻ
Hơn 10 năm trước, khi bộ phim “Đường thư” được công chiếu rộng rãi tới công chúng, người trong nghề đã có những đánh giá khá lạc quan về sự tiếp nối của những người làm điện ảnh trẻ với thể loại phim về chiến tranh cách mạng. Bộ phim “Đường thư” do đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (sinh năm 1975) thực hiện, kể về sự hy sinh thầm lặng và đau thương của những chiến sĩ quân bưu trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Bộ phim là một câu chuyện nhỏ trong chiến tranh, không đua tranh với những tác phẩm điện ảnh khác thuộc đề tài này về sự hoành tráng của những chiến dịch, những trận đánh lớn, ê kíp làm phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đi sâu vào những chi tiết, những cảm nhận cụ thể nhất về chiến tranh qua những bức thư gửi về hậu phương, qua cảm nhận của người lính trẻ. Nhắc lại chuyện làm bộ phim đầu tay này, Bùi Tuấn Dũng nói rằng, ưu thế của phim khai thác đề tài lịch sử là những cảnh huống gây xúc động, nhưng đó lại chính là thách thức cho các đạo diễn khi phải vượt qua những cảnh sáo mòn để lấy xúc cảm của người xem, “Đường thư” đã tạo cho anh một mảnh đất mới để khai thác triệt để lợi thế này.
“Những người viết huyền thoại” (năm 2013) và “Đường lên Điện Biên” (năm 2014)-hai tác phẩm điện ảnh mà đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thực hiện, là một bước đi dài của đạo diễn trẻ này. Như nhận xét của một đạo diễn lão thành, ở “Đường thư” còn thấy vẻ ngô nghê, loay hoay trong sự tìm kiếm những thể hiện về tay nghề, về tư tưởng, về cách khám phá thì Bùi Tuấn Dũng đã có sự tiến bộ đến vượt bậc trong cách xử lý tình huống, kỹ thuật dựng cho tới cách lôi cuốn người xem khi làm “Những người viết huyền thoại”. Nhưng quan trọng nhất, hiển hiện rõ nét nhất, qua “Những người viết huyền thoại” hay “Đường lên Điện Biên”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đưa đến sự tin tưởng, hy vọng từ các thế hệ làm điện ảnh đi trước, về một đội ngũ làm điện ảnh trẻ đang nuôi lòng nhiệt huyết, tin yêu, tận tâm cống hiến với dòng phim mà giới điện ảnh gọi nôm na là “dòng phim nhà nước”.
 |
Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Khi bộ phim “Mười ba bến nước” liên tiếp được xướng tên lên bục nhận những giải thưởng lớn, quan trọng của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 (Bông sen vàng) năm 2009, đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền của Điện ảnh Quân đội những ngày sau đó được giới chuyên môn nhận định là một phát hiện mới của điện ảnh nước nhà. Dấu ấn “Mười ba bến nước” của Đặng Thái Huyền ngày đó với 6 giải thưởng Bông sen vàng như một sự khích lệ, động viên để nữ đạo diễn thuộc thế hệ “8X” này (sinh năm 1980) chọn hướng đi nghệ thuật cho mình: Làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng. Năm 2004, khi những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điện ảnh như Huyền đang còn phân vân chọn khuynh hướng sáng tạo, chọn nơi lập nghiệp, thì Thái Huyền được NSND Nguyễn Khắc Lợi gọi đi làm thư ký trường quay cho bộ phim “Tiếng cồng định mệnh”, do Điện ảnh Quân đội sản xuất. Hoàn thành xuất sắc vai trò này, năm 2005, Huyền được Điện ảnh Quân đội tuyển dụng. Làm việc trong môi trường sản xuất phim chuyên nghiệp với các thế hệ làm phim nổi tiếng, dày dạn kinh nghiệm của quân đội, Thái Huyền thỏa sức sáng tạo. “Mười ba bến nước” khẳng định tay nghề của Thái Huyền, bộ phim nói về chiến tranh nhưng không hề có tiếng đại bác, xe tăng, khói lửa, không có máu rơi, không có cảnh chết chóc nơi chiến trường. Đó là một cuộc chiến của số phận người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh, chịu sự ảnh hưởng của di chứng chiến tranh. Thân phận đàn bà như trôi qua 12 bến nước và dừng lại ở bến nước thứ 13-cái bến tuyệt vọng đến cùng cực. Huyền gắn vào nhân vật Sao một tinh thần mãnh liệt, dù trong bi kịch vẫn giữ trái tim tràn đầy khát vọng yêu, khát vọng sống.
 |
Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Khát vọng nghệ thuật gắn với khát vọng dân tộc
Đại úy, đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ, nếu không có Điện ảnh Quân đội, không có những người đồng nghiệp, đồng chí luôn tận tâm dìu dắt, truyền nghề thì không có Thái Huyền như ngày hôm nay. Phát huy tinh thần nghệ sĩ-chiến sĩ, những bộ phim Thái Huyền thực hiện thời gian qua như “Vũ khúc ánh trăng”, “Đất lành” hay những bộ phim tài liệu thì giới chuyên môn hay người xem đều có thể nhận ra “chất” của Huyền. Nữ đạo diễn trẻ bày tỏ, trong điều kiện làm phim khó khăn của Việt Nam hiện nay, nếu làm phim chiến tranh, những nhà làm phim không thể có “cuộc đua vũ trang” với các nhà làm phim Mỹ hay nhiều nước khác, cách làm phim của Huyền cũng vậy. “Khi tôi nhận làm đạo diễn bộ phim “Người trở về”, tôi nhập mình vào nhân vật, cố gắng đặt mình vào địa vị nhân vật đó trong những cảnh huống như thế thì mình sẽ xử lý như thế nào. Và đâu đó trong nhân vật là số phận của mình, tình cảm của mình, thấy mình trong đó. Tôi vui khi gửi được tâm tư của mình cũng có thể là tâm tư của bao nhiêu người khác trong đó…” - Đặng Thái Huyền bày tỏ.
Được sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, bộ phim truyện nhựa “Người trở về” đang được Điện ảnh Quân đội gấp rút hoàn thành để công chiếu dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. ở “Người trở về”, nữ đạo diễn trẻ tiếp tục dẫn dắt người xem cảm nhận những hình ảnh đẹp, mềm mại và hết sức có giá trị về hình tượng người chiến sĩ. Để rồi cả người làm phim và khán giả cùng có những suy ngẫm, trân quý về một thời quá khứ hào hùng của dân tộc, ở những giai đoạn khó khăn, gian khổ hay thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, mà tình yêu, tình người lại sâu sắc đến vậy. Tình yêu và khát vọng được đạo diễn Thái Huyền gửi gắm vào nữ chiến sĩ Mây-cô gái bé nhỏ ở một làng quê vào chiến trường chỉ với tấm ảnh người yêu luôn được cất giấu kỹ trong túi áo ngực cùng lời hứa hẹn của chàng trai trước lúc lên đường: Đất nước hòa bình, chúng mình sẽ cưới nhau. Khát vọng yêu, khát vọng sống, khát vọng hòa bình dân tộc đã thúc giục người nữ chiến sĩ vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua những khó khăn, thử thách chiến trường để trở về với người yêu trong ngày vui đại thắng…
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì cho rằng: “Làm một bộ phim mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc, đơn giản là làm người ta khóc, cười, hồi hộp, lo sợ, đau đớn, ám ảnh… Nhưng trên tất cả, một bộ phim hay là bộ phim mà người xem có thể yêu thích nhân vật chính, tự hào về họ và khơi gợi những cảm xúc khiến người xem yêu cuộc đời này hơn. Tư tưởng của nhân vật là tư tưởng của một công dân, tư tưởng của Tổ quốc. Cái tôi đề cao ở đây là tinh thần Việt, bản chất của hành vi nhân cách hóa bằng huyền thoại. Tôi đề cao tính anh hùng ca, điều mà xã hội và đất nước đang rất cần trong thời điểm hiện nay. Khán giả Việt, dù không phải là quân nhân, vẫn có thể hãnh diện và tự hào”.
Để có những tác phẩm về bộ đội, về đề tài chiến tranh cách mạng trong điều kiện nền điện ảnh nước nhà còn nhiều khó khăn như hiện nay, theo đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, thì các nhà làm phim đã cố gắng rất nhiều. Nhưng so với lịch sử của dân tộc thì các nhà điện ảnh Việt Nam vẫn còn “món nợ” lớn chưa trả được và cũng chưa biết bao giờ mới trả hết được. Đề tài về Bộ đội Cụ Hồ, chiến tranh cách mạng qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quá lớn, quá vĩ đại, sức của những người làm điện ảnh có hạn. “Chúng tôi giờ chỉ còn trông đợi vào thế hệ trẻ, những người đang có nhiều điều kiện học hỏi, có sức trẻ. Họ không trải qua chiến tranh, mà chỉ được đọc qua sách, được nghe kể, nhưng họ có nét riêng, nét trẻ. Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ luôn là hình tượng đẹp với điện ảnh, là “nguồn vốn” vô tận, là chất liệu vô tận cho màn ảnh rộng”-NSND Đặng Nhật Minh gửi gắm.
Nhân Ngày Điện ảnh Việt Nam (15-3), Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức chiếu một số bộ phim truyện và phim tài liệu tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam tại các cụm rạp TP Hồ Chí Minh; tổ chức cho các nghệ sĩ thăm địa điểm làm phim của điện ảnh Nam Bộ trước đây tại Mộc Hóa (Long An), kết hợp chiếu phim và giao lưu với khán giả tại địa phương; tôn vinh hai nghệ sĩ đã có cống hiến xuất sắc cho điện ảnh dân tộc là đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân và NSND Nguyễn Thế Anh. |
VƯƠNG HÀ