Nói về trai tài gái sắc, người xưa gói gọn trong cụm từ “tài tử giai nhân”. “Tài tử” sau này mở rộng ý nghĩa để nói về những diễn viên sân khấu, điện ảnh, xiếc có tài năng và sự hào hoa, phong độ. Vẻ tài tử của các nam diễn viên điện ảnh, sân khấu có thể trở thành điểm nhấn của một vở diễn, một bộ phim và cũng là sức hút đối với khán giả.

Khoảng một thập niên gần đây, dưới con mắt của giới trẻ, những chàng trai có tài năng cùng với ngoại hình ưa nhìn, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao (ca sĩ, diễn viên, vũ công, người mẫu, vận động viên, huấn luyện viên thể hình...) thì được gắn với nhiều cái tên đầy gợi cảm như: Mỹ nam, nam thần, soái ca, nam vương...

Mỹ nam là từ có nguồn gốc Hàn Quốc, được sử dụng phổ biến từ đầu những năm 2000, để chỉ các ca sĩ, diễn viên trẻ có khuôn mặt tươi tắn, phong cách cá nhân và thời trang nổi bật, dễ thu hút và trở thành thần tượng của giới trẻ ở xứ sở kim chi.

Nam thần có gốc gác từ những cuốn sách, bộ phim ngôn tình Trung Quốc, để nói về những chàng trai đẹp đẽ, giỏi giang, từ vóc dáng, hình thể đến phong cách nói năng đều toát lên sự hào hoa, nhã nhặn, dễ tạo ấn tượng, sức hút đối với các thiếu nữ.

Soái ca có nguồn gốc từ tiếng Hán. Soái xuất phát từ thống soái, nguyên soái, nghĩa là người đàn ông đứng đầu một đội quân tinh nhuệ, có tài năng về chiến thuật, nghệ thuật quân sự để điều binh khiển tướng trong các cuộc chiến đấu. Theo nghĩa gốc, soái ca để chỉ người đàn ông có dũng khí, bản lĩnh, quyền lực, oai phong lẫm liệt, có thể quyết định đến vận mệnh của cả một đội quân, quốc gia, dân tộc. Sau này, soái ca xuất hiện trong truyện ngôn tình ở Trung Quốc để chỉ những chàng trai trẻ đẹp, tài năng, chung tình, bên ngoài tỏ vẻ lạnh lùng mà bên trong ấm áp. Đây là “hình mẫu lý tưởng” mà nhiều cô gái trẻ mơ ước.

Nam vương là một danh hiệu dành cho những chàng trai đoạt ngôi vị cao nhất trong các cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp nam tính mang tầm quốc tế như Mister International, Mister World, Mister Global... hay cuộc thi trong nước như Mister Vietnam. Người đoạt ngôi vị nam vương là những người mẫu sở hữu thân hình cân đối, vóc dáng săn chắc, khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng tích cực và hút mắt giám khảo cùng khán giả trong suốt quá trình thi.

Việc nhập khẩu các từ ngữ chỉ vẻ đẹp toàn năng, vẻ đẹp thánh thiện của nam giới trẻ (mỹ nam, nam thần, soái ca, nam vương...) vào môi trường giao tiếp, đời sống ngôn ngữ hằng ngày và trên các phương tiện truyền thông đại chúng là điều bình thường. Vấn đề đáng bàn là những từ ngữ này nhiều khi sử dụng không đúng lúc đúng chỗ, không đúng đối tượng, thậm chí có biểu hiện lạm dụng thái quá, lệch chuẩn.

Trong thực tế, một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ có thể chưa hiểu hết gốc gác, ý nghĩa của các từ mỹ nam, nam thần, soái ca, nam vương nên sử dụng còn có phần lẫn lộn, tùy tiện thì dẫu sao cũng dễ bề thông cảm vì cái nhìn hời hợt, bồng bột của lứa tuổi chưa đủ độ chín, thiếu vốn văn hóa và vốn sống.

Còn đối với các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống thì không nên sử dụng tràn lan các từ ngữ, danh xưng này rồi gán ghép cho các ca sĩ, diễn viên, người mẫu trẻ khi bản thân họ chưa thực sự hội tụ đủ vẻ đẹp, tài năng, phong cách nghề nghiệp mà công chúng chân chính mong đợi. Bởi cách truyền thông như vậy vô hình trung đội lên một vầng hào quang giả tạo cho ca sĩ, diễn viên, người mẫu, từ đó tung hô, cổ xúy lối sống hư danh, cuồng thần tượng của một bộ phận giới trẻ đang có nguy cơ làm vẩn đục môi trường văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

LÝ XUYÊN