Những ai bỏ tiền mua vé chắc chắn sẽ không phải thất vọng, nhưng bộ phim chỉ ở mức “đáng xem” chứ chưa thể nhận xét là một bộ phim hay.

 “Song lang” là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Lê, cùng với nhà biên kịch, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, bộ đôi này là tác giả kịch bản phim. Có thể tóm tắt như sau: Phim kể về đời sống cải lương những năm của thập niên 1980, Dũng “Thiên Lôi” là con kép nữ chính và nghệ sĩ đàn kìm (đàn nguyệt), say mê cải lương từ bé nhưng vì bố mẹ mâu thuẫn, ly hôn nên anh không theo nghiệp mà trở thành dân xã hội đen chuyên đi đòi nợ thuê. Tình cờ anh gặp Linh Phụng, một nghệ sĩ cải lương đang tỏa sáng ở gánh hát Thiên Lý, giấc mơ theo tổ nghiệp của Dũng sống lại. Anh quyết định bỏ hết mọi thứ, mang đàn đến gánh hát nhưng rồi bị một con nợ đâm chết ngay trước rạp hát.

 Cảnh trong phim “Song lang”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp.

Một cốt truyện tưởng chừng chỉ có tính chất giải trí đơn thuần, nhưng lại có chiều sâu nghệ thuật, tạo được ấn tượng với người xem. “Song lang” là một trong số không nhiều bộ phim đã khắc phục được nhiều điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt bao năm qua: Cốt truyện thiếu chiều sâu, phục trang xấu, ít thước phim đẹp giàu chất thơ… Đơn cử như cốt truyện nhiều lớp lang là câu chuyện nghề và câu chuyện đời lồng ghép vào nhau, cân bằng không thiên lệch, tạo ra sự đa nghĩa. Điều này thể hiện ở ngay nhan đề phim “Song lang” vừa là tên nhạc cụ giữ nhịp trong dàn cổ nhạc cải lương, vừa để giới thiệu về cuộc đời hai người đàn ông có nhiều điểm giống nhau nhưng mãi đi song song không bao giờ hội tụ ở một điểm.

Bộ phim kết thúc để lại cho người xem nhiều chiêm nghiệm: Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, dù có thế nào hãy sống lương thiện và nhân văn; hãy theo đuổi đam mê và hết mình cho đam mê… Chính những thông điệp sống đẹp đã làm không ít người xem rơi nước mắt, giúp bộ phim không bị sa vào tính giải trí thông thường với dàn diễn viên đẹp khoe cơ bắp, cốt truyện kịch tính pha mùi mẫn.

Điểm trừ dễ nhận thấy của "Song lang" là vẫn chưa thoát khỏi “hình bóng” một số phim nổi tiếng trữ tình của các đạo diễn nổi tiếng: Trần Khải Ca, Vương Gia Vệ. Có không ít cảnh phim mà nếu có cắt đi cũng không sao, sự thừa thãi thiếu tiết chế xuất hiện không ít. Đoạn kết của phim lẽ ra cần được làm lại bởi “Song lang” là phim trữ tình thì có cần thiết phải để quá nhiều cảnh thi thể Dũng “Thiên Lôi” đẫm máu? Cái kết đã làm hỏng bộ phim và thể hiện tư duy nghệ thuật vẫn chưa thực sự lên đến tầm cao.

Nhìn tổng thể, “Song lang” vẫn là bộ phim đáng xem và đặc biệt rất có ý nghĩa để khán giả trẻ tuổi biết đến nghệ thuật cải lương đang có nguy cơ mai một. Bộ phim khởi chiếu từ giữa tháng 8-2018, không có nhiều người đến xem khiến những người trong giới điện ảnh phải kêu gọi, hô hào các rạp chưa vội dừng chiếu. Và may mắn, nhiều khán giả đã không quay lưng với một sản phẩm điện ảnh có chất lượng. Có lẽ, ai cũng hiểu không thể đòi hỏi một nền điện ảnh vẫn đang trên con đường công nghiệp hóa có thể sản xuất một bộ phim hay, khó có điểm trừ. “Song lang” là bộ phim để người xem hy vọng về những phim chất lượng hơn của điện ảnh Việt.

HOÀNG LINH