Thị xã Sơn Tây được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh trong tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chức năng: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ ở Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô để góp phần thực hiện được mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, có sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.
 |
Ẩm thực làng cổ Đường Lâm hấp dẫn du khách. |
Vùng đất của những giá trị văn hóa đặc sắc
Với nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử phong phú, thị xã Sơn Tây không chỉ giữ vai trò gìn giữ bản sắc xứ Đoài mà còn hứa hẹn là động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bởi trong dòng chảy lịch sử, thị xã Sơn Tây luôn được biết đến như trung tâm văn hóa của xứ Đoài, một vùng đất đậm nét truyền thống và bản sắc riêng biệt.
Với hơn 244 di tích trên toàn thị xã, bao gồm 80 di tích được xếp hạng, Sơn Tây nổi bật với hàng loạt công trình kiến trúc cổ kính như Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, Chùa Mía, Đình Phùng Hưng và Lăng Ngô Quyền. Bên cạnh đó, thị xã còn lưu giữ hàng loạt di sản văn hóa phi vật thể quý giá, như các lễ hội truyền thống, trong đó lễ hội Đền Và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những nét đặc trưng này tạo nên nền tảng vững chắc để phát triển du lịch văn hóa, biến thị xã Sơn Tây thành một điểm đến không thể bỏ qua cho du khách yêu thích tìm hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Với những lợi thế vốn có đó, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, Thị xã Sơn Tây đang tích cực phát triển công nghiệp văn hóa, kết hợp với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Đây là một định hướng chiến lược nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 31-3-2022, cùng với đó UBND Thị xã triển khai Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 17-2-2023 để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 |
Các sự kiện văn hóa, lễ hội ở thị xã Sơn Tây thu hút đông đảo du khách tham quan.
|
Song song với đó, Thị xã tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 4-9-2019, nhằm triển khai Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành phố đề ra.
Đáng chú ý, UBND Thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo rà soát và hoàn thiện Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 19-6-2018 về “Triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thị xã Sơn Tây đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo kế hoạch số 277/KH-UBND về Triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thị xã Sơn Tây đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu biến du lịch văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, thị xã Sơn Tây cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2045 bằng việc đề ra các chiến lược phát triển đồng bộ, trong đó lấy du lịch văn hóa làm trọng tâm.
Các kế hoạch phát triển được xây dựng dựa trên tiềm năng vốn có của địa phương có thể kể đến như: Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng di tích lịch sử: Thành cổ Sơn Tây đang được phục dựng với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Dự án mở rộng Đền Và lên 30,5ha với kinh phí 533 tỷ đồng nhằm nâng tầm di tích này trở thành điểm nhấn của du lịch Sơn Tây. Khu di tích lăng Ngô Quyền - Phùng Hưng sẽ được mở rộng đến 100ha, với tổng đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Tiếp đó là xây dựng hạ tầng văn hóa hiện đại với trung tâm hành chính mới của Thị xã được quy hoạch trên diện tích 6,5ha, tích hợp không gian văn hóa tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây. Phố đi bộ sẽ kết hợp kinh tế đêm, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, đồng thời bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, thị xã sẽ tiến tới xây dựng thêm rạp chiếu phim, nhà hát biểu diễn nghệ thuật để nâng cao đời sống tinh thần của người dân và du khách.
Du lịch - cánh cửa đưa Sơn Tây ra thế giới
Thực tế đã cho thấy, Sơn Tây đang từng ngày thay da đổi thịt, công nghiệp văn hóa đã hình thành nên một bức tường vững chắc cho vùng đất 2 vua.
Sơn Tây đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút 400.000 lượt khách du lịch, tăng lên 600.000 lượt vào năm 2030. Trong đó, làng cổ Đường Lâm phấn đấu đón 200.000 lượt khách mỗi năm, trở thành điểm đến nổi bật trong bản đồ du lịch văn hóa Việt Nam.
Để đạt được những con số ấn tượng này, thị xã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, một trong số đó phải kể đến du lịch văn hóa - lịch sử với các tour tham quan di tích lịch sử nổi bật như Thành cổ Sơn Tây, Chùa Mía, Đình Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền kết hợp trải nghiệm lễ hội truyền thống, thưởng thức nghệ thuật dân gian.
Du lịch sinh thái - cộng đồng đã khai thác thế mạnh tự nhiên với các điểm như hồ Đồng Mô, công viên Sông Tích, làng nghề truyền thống, tạo nên những chuyến đi gần gũi, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Du lịch nông nghiệp hướng tới phát triển các sản phẩm OCOP, trải nghiệm làm bánh tẻ, đồ thủ công mỹ nghệ và sinh hoạt văn hóa dân gian tại các làng quê.
 |
Show diễn “Về miền di sản” - nằm trong khuôn khổ các hoạt động của vòng sơ khảo Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam năm 2024 do Sơn Tây đăng cai tổ chức.
|
Thị xã Sơn Tây cũng tập trung xây dựng thương hiệu du lịch bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển khách sạn, resort sinh thái hiện đại.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, thị xã Sơn Tây cũng nỗ lực tạo cơ chế và chính sách thúc đẩy đầu tư hiệu quả. Đặc biệt chú trọng thu hút các nguồn lực xã hội hóa thông qua các cơ chế khuyến khích đầu tư hấp dẫn như: Hỗ trợ về vốn, thuế và đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, văn hóa. Phát triển cơ chế hợp tác công - tư trong quản lý di sản, bảo tồn văn hóa, đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và khai thác. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Sơn Tây thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao và hội chợ du lịch.
Một trong những điểm nhấn của Sơn Tây là sự kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại. Thị xã cũng đang triển khai số hóa dữ liệu về các di tích, lễ hội, làng nghề nhằm phục vụ quản lý, quảng bá và nâng cao trải nghiệm du khách.
Với tiềm năng vốn có cùng định hướng phát triển bài bản, Sơn Tây đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm du lịch văn hóa lớn của Hà Nội. Không chỉ giữ vai trò động lực phát triển kinh tế, ngành công nghiệp văn hóa và du lịch ở Sơn Tây còn góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống, mang bản sắc xứ Đoài đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Một thị xã Sơn Tây hiện đại nhưng vẫn giữ vẹn nguyên nét đẹp cổ kính đang hình thành, sẵn sàng trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Bài, ảnh: THANH HƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.