Nhiều ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm khá thú vị, tâm huyết, đến từ những nhà thơ trẻ như: Lương Đình Khoa, Hoàng Anh Tuấn… và các nhà thơ lão thành như: Anh Ngọc, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa… Tham dự buổi tọa đàm, lắng nghe các ý kiến phát biểu, tôi có chút băn khoăn khi thấy các nhà thơ, cả trẻ lẫn già, hầu như không đề cập tới vấn đề thể loại, đặc biệt là những thể loại thơ thuần Việt đang được các nhà thơ cách tân từ truyền thống thế nào? Xét về thể loại, thơ ca Việt từ trước đến giờ chỉ có hai thể do người Việt sáng tạo nên là lục bát và song thất lục bát. Về lục bát, câu chuyện về nguồn gốc hiện vẫn còn chưa ngã ngũ. Người Việt, người Mường hay người Chăm, dân tộc nào đầu tiên sáng tạo ra lục bát? Câu hỏi ấy, hiện các nhà nghiên cứu chưa có câu trả lời cuối cùng. Mấy chục năm qua, các chuyên gia nghiên cứu về lục bát chỉ đồng thuận ở một điểm là có sự giao thoa, tiếp biến lẫn nhau giữa ba thể loại thơ được gọi là lục bát của ba dân tộc trên và chỉ có lục bát viết bằng ngôn ngữ Việt là đạt đến đỉnh cao với "Truyện Kiều" và vẫn còn phát triển trong suốt thế kỷ 20 cũng như đến tận ngày nay với các tên tuổi như: Trần Tuấn Khải, Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu, Đồng Đức Bốn…
Song thất lục bát lại không có cái may mắn như người anh em của mình, dù có “lai lịch rõ ràng”, không có nhiều điểm cần phải truy vấn. Nhà nghiên cứu Phan Diễm Phương nhận định: “Khi đã có mặt những dòng lục bát Mường thì không thể tiếp tục nghĩ rằng lục bát là thể thơ đặc biệt Việt Nam với nghĩa chỉ có người Việt mới có nữa. Nó hẳn là thể thơ có khả năng cùng được sinh ra ở một số dân tộc có những đặc điểm tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa. Còn về sự kết hợp kỳ diệu giữa thất ngôn và lục bát để tạo thành thể song thất lục bát thì phải chăng đã có thể có nhiều phần chắc, rằng đó là sáng tạo của riêng người Việt, bởi vì cho đến nay, chưa tìm thấy ở đâu một sự kết hợp như vậy, ngoại trừ trong thơ ca người Việt” ("Lục bát và song thất lục bát", NXB Khoa học xã hội, 1998, trang 101, 102). Về thành tựu, song thất lục bát với hai đỉnh cao "Chinh phụ ngâm" và "Cung oán ngâm khúc" cũng đủ đem lại niềm tự hào về nền văn học nước nhà. Chỉ đáng tiếc, sau khi văn học nước nhà bắt đầu bước vào quỹ đạo hiện đại hóa (những năm 1900-1930) song thất lục bát hoàn toàn lùi vào quá vãng và đến giờ chỉ còn là hoài niệm về “một thời vang bóng”. Trong "Thi nhân Việt Nam", ở bài tựa "Một thời đại trong thi ca", nhà phê bình văn học Hoài Thanh cho biết, năm 1929 đã có người lên tiếng về hiện tượng này: “Năm 1929, trên Báo Phụ nữ tân văn, ông Trịnh Đình Rư… hô hào người ta lưu tâm đến lối lục bát và song thất lục bát là những lối thơ đặc biệt của ta”. Tuy nhiên, cũng trong bài viết này ở đoạn dưới, Hoài Thanh cho biết: “Lục bát vẫn được trân trọng: Ảnh hưởng "Truyện Kiều" và ca dao. Song thất lục bát cơ hồ chết, không hiểu vì sao”. Phan Diễm Phương trong công trình nghiên cứu "Lục bát và song thất lục bát" cũng chỉ nói một cách chung chung rằng: “Thể song thất lục bát theo truyền thống trở nên giảm sút về sức sống, ít có cơ hội hòa nhập vào đời sống chung của thơ ca” (trang 209).
Thiết nghĩ, việc song thất lục bát vắng bóng trên thi đàn Việt hơn một thế kỷ qua là bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, tuy cùng trải qua một quá trình biến đổi, chọn lọc để đi đến hoàn thiện với các đặc trưng thể loại mang tính khu biệt nhưng luật thơ song thất lục bát phức tạp hơn nhiều so với lục bát. Những quy định về hệ thống vần, điệu, nhịp, tiếng của song thất lục bát rất chặt chẽ. Song thất lục bát gần như không có biến thể. Trong khi đó, lục bát mềm mại và uyển chuyển hơn. Đây cũng có thể là một cản trở đối với người làm thơ, mặc dù để có bài lục bát hay và song thất lục bát hay là khó như nhau.
Thứ hai, mặc dù cũng xuất phát từ văn học dân gian như lục bát nhưng song thất lục bát lại không cắm rễ sâu rộng, bền chặt trong đời sống văn học nhân dân. Song thất lục bát khi hoàn thiện thường gắn với văn học bác học. Trong khi đó với ca dao, lục bát gắn kết với nhân dân rất đậm nét, nhờ đó khi bước vào quá trình hiện đại hóa văn học, lục bát vẫn có sức sống mãnh liệt.
Thứ ba, song thất lục bát về cơ bản là điệu ngâm, vốn thích hợp để giãi bày tâm trạng. Điệu ngâm rất hợp với việc miêu tả những nỗi lòng, uẩn khúc éo le… Nhưng khi văn học bước vào đời sống hiện đại, song thất lục bát tỏ ra không phù hợp với tinh thần của thời đại mới. Tính nghiêm ngắn, mực thước của song thất lục bát khó phù hợp với yêu cầu tự do của thời đại.
Việc chỉ ra nguyên nhân khiến song thất lục bát lụi tàn là cần thiết. Song công việc cần thiết hơn, theo tôi đó là làm sao có thể khôi phục, cách tân lại thể thơ truyền thống này. Nhẩm tính đến nay đã có đến 4, 5 thế hệ nhà thơ lãng quên thể loại này, từ thế hệ nhà thơ tiền chiến, thế hệ thời chống Pháp, thế hệ thời chống Mỹ, thế hệ những năm Đổi mới. Những cây bút thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X dồi dào bút lực hiện nay cũng chẳng mấy đoái hoài đến thể thơ này. Nếu các nhà thơ có thể phục sinh lại song thất lục bát trong một diện mạo mới (như đã từng làm với lục bát), tôi nghĩ đó cũng là một trong các phương thức tốt nhất để thơ Việt hướng đến những giá trị vững bền như mong muốn của cuộc tọa đàm trên.
TÂM ANH