QĐND - Vở múa đương đại “Tình yêu Hà Nội” đã đưa khán giả trở lại không gian của Thủ đô những năm 80 của thế kỷ trước, với những góc phố xanh rêu, hàng cây trút lá đổi mùa hay những quán gánh vỉa hè, mà nhiều người từng sống, làm việc tại Hà Nội, thậm chí đi qua Hà Nội mãi nhớ. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, vở diễn còn là cảm xúc, tình yêu của chị với Hà Nội.

Phóng viên (PV): Thời gian qua, Tuyết Minh để lại dấu ấn với người yêu nghệ thuật múa qua những tác phẩm lịch sử lớn như “Khoảnh khắc bất tử” (tái hiện chân dung nữ anh hùng Võ Thị Sáu) hay “Chiến thắng mùa hoa đào” (chân dung Quang Trung-Nguyễn Huệ). Tại sao lần này chị lại chọn một vở diễn đương đại ?

Nghệ sĩ Tuyết Minh: Sau hai đêm diễn vở “Tình yêu Hà Nội” tại rạp Hồng Hà vừa rồi, tôi yên tâm hơn về sự quan tâm và chào đón của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Nhưng xa hơn, đó là ước mơ về một địa chỉ “đỏ” cho nghệ thuật múa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng mà tôi và Đoàn múa Khám phá đang tạo dựng. Đó là một sân khấu múa diễn thường xuyên các tối thứ bảy hằng tuần, chào đón du khách quốc tế, trong nước cũng như khán giả khi đến với Hà Nội. Tạo nên những không gian nghệ thuật phong phú, sau những sân khấu múa rối, chèo, tuồng… Bên cạnh đó còn là “sân chơi” cho các nghệ sĩ múa, người yêu nghệ thuật múa của Thủ đô.

Cảnh trong vở diễn “Tình yêu Hà Nội”. Ảnh: MINH TRUNG

PV: Tình yêu với Hà Nội có vẻ như không phải là đề tài mới với các tác phẩm văn học-nghệ thuật. Vậy chị phải vượt qua khó khăn gì để vở diễn thu hút sự quan tâm của công chúng?

Nghệ sĩ Tuyết Minh: Đây là đề tài mà tôi và ê kíp nghệ sĩ của đoàn đã trăn trở sau 3 năm hoàn thiện kịch bản và phong cách cho vở diễn. Để tạo sự sâu lắng cho vở diễn cũng như tìm hướng đi mới cho múa đương đại, tôi đã kết hợp nhiều thể loại: Truyền thống, đương đại hiphop, dancesport… Rất may mắn, vở diễn nhận được sự chung tay dàn dựng của hai biên đạo nước ngoài nổi tiếng là Hani Abaza và Alex Phạm. Bên cạnh đó, tham gia diễn xuất có những gương mặt nổi bật, từng được chọn thử sức trong các cuộc thi nhảy, múa được tổ chức trong thời gian vừa qua, như: Toàn Trung, Tố Uyên, Thúy Hằng, Văn Quý, Vũ Khánh, Thái Sơn, Bảo Long, Trà My, Văn Chanh. Bằng sự kết hợp đặc biệt này, “Tình yêu Hà Nội” đã được biến ảo thành một câu chuyện lãng mạn và đầy chất thơ mà những điều đẹp đẽ, yêu thương được dồn vào hình tượng người con gái Hà thành.

Khác nhiều so với các vở diễn tôi dàn dựng trước đó, với sự tham gia của mấy chục diễn viên, thì ở “Tình yêu Hà Nội” chỉ hơn 10 solist, mỗi người có một phong cách khác nhau và các bạn ấy đã làm được. Hơn nữa, vở diễn cũng tăng cường tính giải trí, tăng kỹ xảo thông qua biểu đạt và chuyển động của cơ thể để làm sao mỗi động tác của người nghệ sĩ mang tới cú “sốc” về kỹ thuật, tạo sức hấp dẫn cần có cho nghệ thuật múa. Nhưng điều tôi muốn hướng đến, thể hiện ngay ở nội dung của vở diễn, đó là những du khách quốc tế khi đến với Hà Nội cảm nhận được văn hóa, âm thanh của đất nước họ qua những bước nhảy, điệu nhạc, động tác nhưng cũng bắt gặp tình yêu rất nhẹ nhàng, nên thơ của cô gái Hà thành; còn người Hà Nội cảm nhận về một Hà Nội thân thương, người đi qua Hà Nội lưu giữ những hoài niệm… Và ai xem, cũng có thể cảm nhận được có mình trong “Tình yêu Hà Nội”.

PV: Cảm ơn Tuyết Minh!

NSND Ứng Duy Thịnh nhận xét: “Tình yêu Hà Nội” của Tuyết Minh dàn dựng đã có thay đổi hoàn toàn về phong cách nghệ thuật, tạo dấu ấn cá nhân cho diễn viên trên sân khấu, nhưng vẫn giữ được tinh thần của nghệ thuật múa, tạo hướng đi mới cho múa Việt Nam".

 

HOÀNG MINH THÚY (thực hiện)