Chuyện một cá nhân vừa là một nghệ sĩ vừa là người tổ chức sự kiện, kinh doanh (nôm na gọi là “bầu sô”) không phải hiếm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, Nguyễn Thế Sơn là một trong số ít cá nhân có khả năng sáng tạo, tích cực nghiên cứu, giảng dạy đồng thời là giám tuyển (curator) dự án nghệ thuật.
Thường thì nghệ sĩ thị giác chỉ giỏi sáng tạo như vẽ tranh, làm tượng, sắp đặt, video nghệ thuật... rồi bán tác phẩm cho các nhà sưu tập. Là một nghệ sĩ thị giác, Nguyễn Thế Sơn thành công khi kết hợp nhiếp ảnh, đồ họa và điêu khắc. Anh tái hiện nhà mặt phố, nhà tập thể, đình trong phố cổ Hà Nội... trong tác phẩm nghệ thuật, mà anh gọi là “phù điêu nhiếp ảnh”.
|
|
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu về dự án nghệ thuật cầu vượt Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. |
Nhờ có ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn và chịu khó tìm hiểu “thời sự” nghệ thuật thị giác trên thế giới, Nguyễn Thế Sơn có khả năng tổ chức dự án nghệ thuật công phu, phức tạp. Một dự án nghệ thuật không chỉ là phép cộng đơn giản các tác phẩm như một mẹt hàng xén mà còn phải nhất quán về tư tưởng nghệ thuật, hình thức ấn tượng, lôi cuốn; phục vụ mục đích cụ thể... Giám tuyển còn phải tính toán nhiều yếu tố bên ngoài nghệ thuật như: Kinh phí, nhân lực, lợi ích cho cộng đồng, bảo trì tác phẩm... Điều này đòi hỏi người giám tuyển không khác nào “con dao pha”, không mấy người đủ kiến thức, kỹ năng, đó là chưa kể tâm huyết và kiên nhẫn.
Từ những triển lãm cá nhân, Nguyễn Thế Sơn đã lọt vào “mắt xanh” của một số lãnh đạo địa phương và cả Quốc hội. Anh được tin tưởng giao làm giám tuyển một số dự án nghệ thuật như: Phố bích họa Phùng Hưng, nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, cầu vượt Trần Nhật Duật... ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội); và đặc biệt là dự án nghệ thuật ở tầng hầm Nhà Quốc hội.
Nguyễn Thế Sơn luôn tìm về văn hóa truyền thống và bản địa trong các dự án nghệ thuật. Tác phẩm có thể sử dụng chất liệu, cách thức biểu đạt tân kỳ song gắn chặt với yếu tố truyền thống để lưu giữ ký ức cho cộng đồng, đồng thời kích thích khám phá của du khách phương xa. Chẳng hạn, đình Hà Vĩ (số 11 phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) được xây dựng để thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư. Thông qua dự án tôn tạo đình, Nguyễn Thế Sơn được chính quyền tạo điều kiện để “tái tạo” không gian bằng cách trưng bày dụng cụ liên quan đến nghề sơn truyền thống; thậm chí trồng hai cây sơn ta như một “tác phẩm sống” để công chúng được tận mắt nhìn cây nguyên liệu nghề làm sơn. Mục đích cuối cùng không chỉ làm ngôi đình sinh động hơn mà còn giúp công chúng hiểu sâu sắc về nghề sơn truyền thống, tìm về ký ức một thời hoàng kim. Ngôi đình thay vì đóng cửa im ỉm, chỉ mở cửa vào một số ngày nhất định, đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Được chính quyền tạo điều kiện, có nhà tài trợ là chưa đủ, một dự án nghệ thuật cộng đồng còn cần cái gật đầu của người dân. Dự án nghệ thuật Phúc Tân gồm 16 tác phẩm dàn hàng ngang án ngữ độ 200m tường ngăn cách giữa khu dân cư và bãi sông. Nơi trưng bày tác phẩm trông ra một vùng đất rộng, chính là bãi sông phủ đầy cây mọc tự nhiên nằm giữa hai cây cầu Long Biên và Chương Dương, vốn đang bỏ hoang, tập kết rác ô nhiễm. Nguyễn Thế Sơn phải năm lần bảy lượt trình bày và giải thích ý nghĩa từng tác phẩm qua nhiều lần tổ chức họp tổ dân phố với người dân, qua đó họ đã hiểu và trân trọng công sức của chính quyền và các nghệ sĩ.
Với hàng loạt dự án nghệ thuật được kết nối trong địa bàn quận Hoàn Kiếm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tin tưởng ký ức lịch sử về con người, nơi chốn, văn hóa sẽ tồn tại bền vững. Một niềm tin khác mà Nguyễn Thế Sơn tâm sự với chúng tôi đó là lớp trẻ với kiến thức, năng động, sáng tạo, hoàn cảnh mới... sẽ tiến xa hơn, đạt nhiều thành tựu hơn.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1978 tại Hà Nội; tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội, chuyên ngành tiếng Trung-Anh; sau đó tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành hội họa. Anh nhận bằng Thạc sĩ nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, chuyên ngành nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ thuật thực nghiệm. Hiện Nguyễn Thế Sơn là giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã có hơn 20 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước; anh cũng là giám tuyển, tham gia nhiều dự án nghệ thuật công cộng và festival quốc tế.
|
Bài và ảnh: LINH CHI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.