Trăn trở với tình trạng “bê tông hóa” và bán hàng rong

Trở lại thị xã Sa Pa sau hơn hai năm, chúng tôi ấn tượng bởi cảnh đường phố khang trang, sạch đẹp, yên lành. Từng có thời điểm, Sa Pa bị ví như công trường xây dựng ngổn ngang, cảnh đào bới gây mất mỹ quan và khiến du khách thấy phiền phức. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: “Thị xã Sa Pa đã thành lập ban chỉ đạo yêu cầu các phường, xã vào cuộc, phân công từng cán bộ, đảng viên phụ trách các tuyến đường nhằm hỗ trợ phân luồng; tuyên truyền, vận động, đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành các công trình xây dựng theo đúng tiến độ; đồng thời tạm dừng cấp phép cho các công trình xây dựng mang tính nhỏ lẻ".

Cũng giống như nhiều khu du lịch nổi tiếng khác, Sa Pa đang rơi vào tình trạng “bê tông hóa”. Chỉ sau vài năm, nhiều công trình nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí tại Sa Pa mọc lên như nấm. Nhiều địa điểm chụp ảnh, ngắm cảnh được xây dựng tự phát rất khó kiểm soát, "gặm" nát nhiều cảnh quan thiên nhiên. Ngoài ra, trăn trở lớn nhất mà ngành du lịch Sa Pa đang gặp phải là tình trạng bán hàng rong và chèo kéo du khách. Đề cập đến vấn đề này, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa bày tỏ: “Đây đang là vấn đề khiến chính quyền thị xã Sa Pa rất trăn trở. Vấn nạn lợi dụng việc bán hàng rong để chèo kéo khách, ăn xin trá hình đã xuất hiện tại Sa Pa từ lâu. Trong vài tháng trở lại đây, vấn nạn này bị biến tướng, có dấu hiệu chăn dắt trẻ em để trục lợi”.

leftcenterrightdel
Tái hiện đám cưới của người Dao trong chương trình "Vũ điệu trên mây" tại Sa Pa. 

Theo bà Hoàng Thị Vượng, giai đoạn 2018-2019, tình trạng bán hàng rong tại Sa Pa chỉ xảy ra ở người lớn. Đợt cao điểm có tới 500 người chèo kéo du khách. Để khắc phục tình trạng trên, UBND thị xã Sa Pa đã hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho những người này hiệu quả. Tuy nhiên, vài tháng nay, tình trạng bán hàng rong xuất hiện ở trẻ em. Bà Vượng cho biết thêm: “Mới đây, thị xã Sa Pa đã mời các chuyên gia trong và ngoài tỉnh đến tham vấn để giải quyết thực trạng này. UBND thị xã Sa Pa đã đề nghị công an vào cuộc xử phạt làm gương, đồng thời điều tra tình trạng lợi dụng trẻ em để trục lợi bất chính".

Giữ bản sắc văn hóa là giữ chân du khách

Nằm cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 12km, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn (xã Tả Phìn) mấy năm gần đây được biết đến là nơi trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đặc sắc của người Dao. Tới đây, du khách được trải nghiệm hái lá thuốc của người Dao, dự lớp học chữ nôm Dao, được ngắm nhìn các nghệ nhân làm trống và khắc bạc. Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn quy tụ 38 hộ kinh doanh, hoạt động quy củ nên lượng khách tham quan cũng như doanh thu từ du lịch đều được cải thiện. Anh Mẩy Kim Tả, Phó giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn cho hay: “Trước đây, du lịch cộng đồng ở Tả Phìn phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm nên không thể tránh khỏi tình trạng chèo kéo du khách, làm ăn chộp giật. Nhờ sự định hướng của Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa, chúng tôi đã phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình hợp tác xã nên đời sống của bà con kinh doanh du lịch được nâng cao. Hiện tại, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn có thể đón, phục vụ ăn nghỉ, trải nghiệm văn hóa cho 200 du khách cùng lúc”.

Cách xã Tả Phìn khoảng 15km, xã Mường Hoa từ lâu đã nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên và những nếp nhà cổ của người Mông. Nằm ở lưng chừng đồi, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Sapasha là một điểm đến tiềm năng, được kỳ vọng sẽ trở thành nơi trải nghiệm văn hóa tiêu biểu đại diện cho đồng bào dân tộc Mông. Theo anh Giàng A Tùng, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Sapasha, hợp tác xã nằm trên diện tích 5ha, có 17 hộ gia đình sinh sống và được đưa vào vận hành đón khách từ tháng 8-2022. Anh Tùng cho biết: “Điểm đặc biệt nhất của Hợp tác xã du lịch cộng đồng Sapasha là giữ nguyên được nếp nhà cổ của người Mông, các hộ gia đình vẫn giữ được những bản sắc của dân tộc mình như nhuộm chàm, dệt vải, rèn dao... Du khách đến đây ngoài trải nghiệm dệt vải, xem biểu diễn nghệ thuật còn có thể tự vào bếp nấu những món ăn truyền thống của người Mông”.

Theo bà Hoàng Thị Vượng, hiện thị xã Sa Pa có 4 tuyến du lịch cộng đồng được UBND tỉnh Lào Cai công nhận. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các điểm du lịch cộng đồng này đón khoảng hơn 300.000 lượt khách/năm. Với mục tiêu xây dựng văn hóa bản địa đặc sắc gắn với phát triển du lịch, UBND thị xã Sa Pa đã ban hành kế hoạch đầu tư 5 mô hình du lịch cộng đồng đại diện cho 5 dân tộc thiểu số tại Sa Pa, đạt tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN gồm: Thôn Tả Van Giáy I và II (xã Tả Van) đại diện cho văn hóa Giáy; thôn Hòa Sử Pán I (xã Mường Hoa) đại diện cho văn hóa Mông; thôn Sả Xéng (xã Tả Phìn) đại diện cho văn hóa Dao; thôn La Ve-Bản Dền (xã Bản Hồ) đại diện cho văn hóa Tày; thôn Nậm Sang (xã Liên Minh) đại diện văn hóa Xa Phó. "Hy vọng sau khi được đưa vào vận hành, 5 mô hình du lịch cộng đồng này sẽ tạo nên những điểm nhấn về văn hóa để Sa Pa giữ chân du khách", bà Hoàng Thị Vượng mong muốn.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG