Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều vườn quất của nhà vườn tại Hoài Đức đã nặng trĩu quả, ngả màu vàng rực rỡ; thậm chí tấp nập, nhộn nhịp “kẻ ra người vào” để đặt hàng mang về nhà ngay từ bây giờ.
Quất bonsai bị soán “ngôi”
Kể từ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu của thị trường và tâm lý của người chơi quất đã không còn mặn mà với quất bonsai. Do đó, 2 năm trở lại đây, các chủ vườn quất ở Hoài Đức đang dần chuyển đổi từ trồng quất bonsai sang trồng quất chậu, quất cảnh có thế đẹp nhìn bắt mắt và thu hút người mua.
 |
Anh Tuấn chăm chút rất tỉ mỉ, từ tỉa cành, tạo dáng, đón quả, giữ hoa cho cây đúng theo từng thời điểm. |
Anh Trần Văn Tuấn (sinh năm 1983, xã Song Phương, huyện Hoài Đức) một chủ vườn quất chia sẻ, để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Quý Mão 2023, năm nay gia đình anh cho ra khoảng 1.000 gốc quất với nhiều kích cỡ, giá thành dao động từ 500 nghìn đồng đến 7 triệu đồng/cây.
Từng cây quất được anh Tuấn chăm sóc tỉ mỉ, các thế cũng khác nhau tựa như một tác phẩm nghệ thuật. Chỉ tay vào từng cây quất anh mỉm cười nói: “Chẳng hạn như cây này thì là dáng cá chép hóa rồng, cây kia thì dáng phát lộc phát tài, thác đổ chào Tết…”.
“3 tháng cận Tết, các chủ vườn đều gác lại mọi công việc để chăm sóc, phải biết tính toán làm sao để khi đến lúc bán ra thị trường, cây quất phải hội tụ đủ “tinh hoa của đất trời” gồm quả chín, quả xanh, quả non, lá non và hoa”, anh Tuấn nhấn mạnh.
 |
Hơn 4 sào quất trước kia của gia đình anh Tuấn là quất bonsai nhưng 2 năm trở lại đây đều được thay thế bằng quất chậu, quất thế dáng đẹp.
|
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn quất hơn 4 sào của gia đình, anh Tuấn tiếc nuối về chỗ quất bonsai còn sót lại từ năm ngoái. Anh bộc bạch: “Trồng quất bonsai đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao, cần sự tỉ mỉ, sáng tạo và dành nhiều thời gian chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Nếu lơ là trong việc chăm sóc, cây quất sẽ chết, khó mà cứu sống được”.
 |
Người chơi quất cảnh đòi hỏi cây quất phải xanh tươi, dù quất tạo thế hay tạo dáng hình tháp thông thường cũng phải đẹp toàn diện: Lá xanh, chồi non, hoa, quả xanh và quả chín.
|
Cũng theo anh Tuấn, để tạo được một dáng, lọ hay bình quất bonsai với thế đẹp, độc, lạ thì phải chọn những cây quất khi còn nhỏ, thời gian chăm sóc kéo dài 2-3 năm, thậm chí là 5 năm. Giá thành bán ra lại chỉ dao động từ 400 nghìn đến 2 triệu đồng/bình, tùy theo từng dáng, thế.
Người Hà Nội rục rịch sắm quất chơi Tết sớm
Thời điểm này, nhiều người dân Thủ đô cũng đã rục rịch ra những cánh đồng quất lớn nhất nhì Hà Nội để chọn những cây ưng ý nhất về chơi Tết. Hầu hết tại các vườn quất đều nhộn nhịp người mua bán. Ô tô, xe máy chở quất cảnh ra vào tấp nập; tiếng người mua bán cứ thế sôi động khắp cánh đồng.
 |
Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng chị Diệp đã rục rịch đi “săn” những cây quất thế để chuẩn bị đón Tết.
|
Chị Hoàng Thị Diệp (25 tuổi, quận Hoàng Mai) cho hay: “Tôi nghĩ thời điểm hiện tại quất cảnh sẽ đẹp nhất và ít người đến mua nên tôi sẽ chọn lựa được những cây đẹp, giá sẽ rẻ hơn cận kề Tết Nguyên đán”.
Tiêu chí chọn quất cảnh của chị Diệp năm nay sẽ là những cây đẹp, chín vừa phải để đến Tết được chín đều. Do đó, chị Diệp đã chọn những cây có kích thước vừa phải bởi nhà chung cư nội thành ưu tiên cây vừa vặn, nhỏ gọn.
Thay vì chọn quất cảnh của Văn Giang (Hưng Yên), năm nay chị Diệp chọn mua quất của các nhà vườn ở Hà Nội. Lý do được chị Diệp cho biết rằng: “Đơn giản vì mình là người Hà Nội nên mình sẽ chọn những sản phẩm, mặt hàng của quê hương mình sinh sống”.
Cũng giống chị Diệp, anh Hoàng Văn Hồng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng vừa chọn cho mình được một cây quất thế ưng ý. “Những năm trước phải đến 23 tháng Chạp mới đi mua mà đa số đều bị “hét giá”, giá cao lại không có nhiều cây đẹp để chọn nên năm nay tôi quyết định đi mua quất sớm hơn”, anh Hồng nói.
Theo anh Hồng, chọn quất ở thời điểm này không phải quá sớm, có thể thong thả, thoải mái chọn lựa được cây như ý cũng như đi đến nhiều nhà vườn tham khảo mẫu mã. Anh đã dành nguyên một ngày để đến làng quất Tứ Liên cũng như vườn quất cảnh tại Hoài Đức.
Dù đã mua quất sớm, nhưng anh Hồng lại chọn gửi lại nhà vườn chăm sóc, việc mua bán chỉ là thanh toán đặt cọc, chỉ gần đến Tết mới vận chuyển về nhà. Anh cho hay: “Mang về sớm nếu không biết chăm sóc thì quất sẽ thiếu chất, thiếu ánh sáng, quất sẽ không được đẹp. Bởi vậy, tôi đặt mua sớm, đánh dấu bằng biển treo gắn ở cây để tránh nhầm lẫn, chủ vườn sẽ tiếp tục chăm sóc đợi đến sát Tết mới chuyển đến”.
Nhiều nhà vườn cho biết các công đoạn chăm sóc, uốn nắn tạo thế cơ bản đã hoàn thiện chỉ hy vọng vào yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Thời tiết tốt sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng và giá cả của sản phẩm.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC