Các vở diễn đã thể hiện đáng kể những bước chuyển mới của nghệ thuật sân khấu cũng như muôn mặt đời sống xã hội. Nhưng cũng như nhiều cuộc thi, liên hoan sân khấu khác, có điều tiếc nuối khi thiếu vắng vở diễn về học đường-đề tài để có thể lôi cuốn khán giả trẻ đến với sân khấu và đào tạo khán giả cho sân khấu tương lai.

Có nhiều học trò của Hà Nội đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu, điện ảnh nước nhà như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung... Những người như NSND Đào Mộng Long, NSND Phạm Thị Thành, NSND Trần Bảng... trở thành người thầy sân khấu của thế hệ học sinh “7X”, “8X” những năm “hoàng kim” của sân khấu Thủ đô (1980-1995). Những năm trở lại đây cũng có khá nhiều gương mặt học trò mới, trẻ của Hà Nội để lại dấu ấn trên sân khấu ở các thành phần sáng tạo, diễn xuất...

Cảnh trong vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn”-một đề tài dành cho tuổi mới lớn-vừa được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.Ảnh: VIỆT LAM. 

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 246 trường trung học phổ thông, 668 trường trung học cơ sở, 798 trường tiểu học, cùng với đó là các cấp học mầm non, cao đẳng, đại học... Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thường xuyên cùng với Hội Sân khấu Hà Nội và các Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội... tổ chức hội diễn sân khấu không chuyên cho các trường học trên địa bàn các quận, huyện. Nghệ sĩ đến với các trường học để dựng tiểu phẩm, kịch ngắn. Thầy trò háo hức thử sức, vào vai các nhân vật trong truyện cổ dân gian, tác phẩm văn học, cuộc sống đời thường... Từ đó một số thầy cô giáo trở thành người sáng tác và học trò trở thành diễn viên sân khấu, hứa hẹn mầm tài năng.

Bên cạnh khó khăn, thử thách mới của sân khấu nói chung, kịch bản sân khấu học đường đang dần thiếu vắng, nhất là mảng đề tài hiện đại. Kịch bản viết về người thầy không phải hiếm trên sân khấu như thầy Chu Văn An, thầy Tôn Thất Tùng là các nhân vật chính trên sàn diễn nhiều năm qua và luôn được các thế hệ công chúng khán giả nồng nhiệt đón nhận. Song, những vở kịch mới viết về học đường hôm nay, viết về những người thầy hôm nay để sẻ chia cùng khán giả về những góc khuất, nỗi trăn trở và cả thế hệ học trò hôm nay với nhiều vấn đề nổi cộm đang rất thiếu hụt. Tuy ngành giáo dục Thủ đô có bề dày thành tích trong phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, nhưng vấn đề học đường trong những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, khiến dư luận xã hội quan tâm. Có thể đơn cử vấn đề bạo lực học đường, đây là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Các vụ việc học sinh đánh nhau ngày càng đáng quan ngại. Hiện tượng này còn xuất hiện giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên và cha mẹ học sinh. Vấn đề tình yêu tuổi học trò vốn được xem như những rung động đầu đời trong sáng, hồn nhiên thì hiện nay tình yêu ấy không còn giữ được nét đẹp vốn có. Với sự phát triển của internet, học sinh tiếp xúc với nhiều hình ảnh và thông tin đa chiều từ mạng xã hội dẫn đến tình yêu đi quá giới hạn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cả đời sống tinh thần của các em cùng gia đình. Hay như vấn đề trầm cảm là hiện tượng học sinh luôn cảm thấy mỏi mệt, chán nản do áp lực học tập, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, mối quan hệ không tốt giữa thầy cô và bạn bè trong lớp... 

Để giải quyết những vấn đề trên cần sự quan tâm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành và của mỗi gia đình. Ngoài những nỗ lực của ngành giáo dục thì người dân cũng luôn đặt niềm tin vào tâm huyết, tài năng, công sức của các văn nghệ sĩ, các tác giả sân khấu Hà Nội sẽ góp thêm nhiều tiếng nói mạnh mẽ hỗ trợ sự nghiệp "trồng người” bằng các sáng tác kịch bản sân khấu hay về đề tài học đường.

Nghệ thuật không chỉ giúp các em học sinh, sinh viên giải tỏa căng thẳng, áp lực và mệt mỏi trong những môn học chính khóa mà còn nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, biết cảm nhận, biết rung động, biết yêu thương và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật. Đó chính là bước đầu tiên cơ bản và là khởi nguồn cho việc đào tạo, phát triển các nhân tố nghệ thuật từ cấp cơ sở. Từ đó, nuôi nguồn nhân tài cho đào tạo nghệ thuật sân khấu trong tương lai. 

VÂN KIM