Không chỉ đời sống sinh kế gặp khó khăn mà đời sống văn hóa cũng đối diện với nguy cơ đồng hóa từ các cộng đồng khác.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có hai chiến sĩ người Nùng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào là ông Nông Văn Thưởng và ông Khằm Văn Sắn. Cả hai quê ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1966, hai ông xuất ngũ và lấy vợ, sinh sống tại vùng ven nông trường Bãi Phủ. Cuối năm 1979, sau chiến tranh biên giới phía Bắc, hai ông về thăm quê. Thấy cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn nên đã gợi ý giúp đỡ một số người di cư vào Con Cuông (Nghệ An) sinh sống. Lúc đầu chỉ có vài hộ gia đình, sau cứ phát triển dần lên, đến giữa những năm 2000 đã có khoảng 30 hộ gia đình với hơn một trăm nhân khẩu sinh sống ở xã Yên Khê.

Trang phục của phụ nữ Nùng (Tuyên Quang). Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển. 

Khi còn ở quê cũ huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, những người Nùng này sống bằng canh tác nương rẫy. Họ có canh tác lúa nước nhưng hạn chế, chủ yếu là sống nhờ nương rẫy trồng ngô, khoai, rau cỏ, lúa nương... Khi các gia đình người Nùng chuyển về vùng Con Cuông sinh sống thì họ được nông trường Bãi Phủ nhận vào làm công nhân, cho khai phá diện tích khoảng 50ha đất đang bỏ hoang ở ngoài rìa nông trường để trồng chè. Họ được nông trường tập huấn cho các kỹ thuật trồng chè, cung cấp giống chè và phân bón để sản xuất. Đến mùa thu hoạch, nông trường bao tiêu sản phẩm, trừ lại các khoản chi phí, còn lại bao nhiêu các hộ gia đình được hưởng. Sau khi nông trường giải thể, họ vẫn tiếp tục trồng chè và bán cho xí nghiệp chè Con Cuông. Họ tự mua giống, phân bón và chăm sóc cây chè. Trung bình mỗi gia đình người Nùng ở bản Trung Yên trồng khoảng 5-6 sào chè, năng suất đạt 5-6 tạ chè tươi/sào/năm. Những năm được giá thì họ bán hơn 3.000 đồng/kg chè tươi và thu về khoảng 10 triệu đồng, còn những năm giá chè sụt giảm, chỉ được 1.500-2.000 đồng/kg chè tươi thì cuộc sống của các gia đình càng khó khăn hơn.

Ngoài trồng chè thì gần như người Nùng ở đây không có thêm nghề gì nên cuộc sống bấp bênh và khó vươn lên. Một số người đi làm công nhân các khu công nghiệp ở TP Vinh hay miền Nam, một số ít đi học và làm nghề thủ công như nghề mộc, nghề xây... Một số hộ gia đình khi mới chuyển vào gặp nhiều khó khăn do những mảnh đất dễ canh tác đã có chủ hết nên sau một thời gian thì phải quay lại quê cũ sinh sống. Việc trồng chè gặp nhiều khó khăn nên người Nùng ở đây phát triển thêm nghề lấy thuốc nam và khai thác lâm sản phụ, như phong lan và một số dược liệu từ rừng...

Không chỉ gặp nhiều khó khăn về sinh kế, nhóm người Nùng ở Yên Khê còn đối diện với nguy cơ bị mai một về văn hóa truyền thống tộc người. Hiện nay, họ sinh sống bên cạnh người Kinh và người Thái nên chịu nhiều ảnh hưởng của hai dân tộc đa số trong vùng này. Đặc biệt họ chịu nhiều ảnh hưởng của người Kinh, là cộng đồng sinh sống và làm việc, sản xuất với họ từ những ngày đầu mới đến đây.

Về thiết chế xã hội, nhóm người Nùng này nhỏ về quy mô và mỏng về lịch sử nên họ chưa tạo ra được các thiết chế xã hội riêng hay xây dựng lại thiết chế xã hội truyền thống của mình, ngoại trừ thiết chế gia đình thì thiết chế bản mường hay dòng họ đều phai nhạt. Gần đây, khi thông tin liên lạc và giao thông đi lại dễ dàng hơn thì họ liên hệ lại với anh em bà con ở Cao Bằng và khi có điều kiện thì về quê cũ để tham gia các sinh hoạt mang tính dòng họ.

Còn ở Con Cuông thì gần như vai trò của các thiết chế này không còn hữu hiệu. Các nghi lễ quan trọng như đám cưới, đám tang cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ cách tổ chức của người Kinh... Trang phục truyền thống cũng gần như biến mất, trước đây những người lớn tuổi còn mặc nhưng dần rồi cũng bỏ. Hiện có vài cụ bà còn lưu giữ một số trang phục nhưng ít mặc. Các yếu tố văn hóa tinh thần của dân tộc Nùng cũng gần như bị mất, chỉ còn lại trong ký ức của một số người lớn tuổi.

Điều duy nhất mà cộng đồng người Nùng ở đây còn lưu giữ được đến nay là ngôn ngữ. Người Nùng ở đây nói được ít nhất là hai ngôn ngữ Nùng và Kinh, nhiều người nói được cả tiếng Thái. Các gia đình vẫn có ý thức dạy cho con em tiếng Nùng khi còn nhỏ để có thể giao tiếp với nhau trong gia đình. Họ học thêm tiếng Thái và tiếng phổ thông để giao tiếp công việc cũng như giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, càng ngày, việc truyền đạt tiếng Nùng càng gặp nhiều khó khăn do cuộc sống bận rộn và những cặp vợ chồng trẻ cũng ít quan tâm đến vấn đề này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm cuộc sống kinh tế cũng như bảo tồn văn hóa cho các nhóm này là vấn đề cần được các cơ quan nhà nước và xã hội cùng quan tâm, chia sẻ. Trước hết là hiểu rõ về họ và sau nữa là có những sự hỗ trợ nhất định từ nhiều phía để giúp họ cải thiện cuộc sống cũng như gìn giữ văn hóa truyền thống của mình”.

BÙI HÀO