Trong dàn kịch mục của một đơn vị nghệ thuật, chỉ đạo nghệ thuật được ví như người rọi đèn đi trước để định hướng phong cách nghệ thuật của đơn vị, vừa phải có chuyên môn sâu trong lĩnh vực nghệ thuật mình phụ trách, vừa phải có óc phán đoán, nhạy bén trong xây dựng phương hướng nghệ thuật và cả vấn đề tài chính. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, vai trò chỉ đạo nghệ thuật chưa được thể hiện một cách rõ rệt.

1. Vai trò chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng, chứ không phải là một người để đề tên.

Nếu đạo diễn được coi là chỉ đạo nghệ thuật của một vở diễn, một chương trình, thì chỉ đạo nghệ thuật của một đơn vị chính là người có trách nhiệm cao nhất về nghệ thuật ở đơn vị đó. Chỉ đạo nghệ thuật là người tổ chức kịch mục để tạo nên bản sắc của đơn vị; đồng thời cũng là người giữ vai trò chính trong việc chọn kịch bản đáp ứng mục tiêu nghệ thuật trong ngắn hạn và lâu dài cho nhà hát của mình.

     Màn múa sen trong Lễ khai mạc SEA Games 31. Ảnh: TIẾN ĐẠT 

Người chỉ đạo nghệ thuật phải biết chọn tác phẩm và sản xuất. Chọn tác phẩm, chọn bố cục, chọn người thực hiện, các đạo diễn, thành phần sáng tạo dưới sự chỉ đạo của người chỉ đạo nghệ thuật. Nghĩa là lựa chọn con người để có thể đảm nhiệm được từng phần việc một cách phù hợp nhằm tạo ra một sản phẩm nghệ thuật chất lượng nhất.

Trên thế giới, đôi khi người chỉ đạo nghệ thuật chưa chắc là người đứng đầu của một nhà hát hay đoàn nghệ thuật. Họ có thể là cố vấn hoặc được thuê để đảm trách vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho nhà hát đó. Họ được trao quyền rất lớn, quyết định đến việc lựa chọn tác phẩm, lựa chọn diễn viên, hoặc các công đoạn khác trong toàn bộ quá trình sáng tạo và xây dựng tác phẩm nghệ thuật. 

Việt Nam chưa xuất hiện những tài năng chỉ đạo nghệ thuật như thế. Và không dễ tìm thấy.

2. Ở nước ta hiện nay, vai trò chỉ đạo nghệ thuật chưa được thể hiện một cách rõ rệt. Một số đoàn nghệ thuật đang lúng túng chưa biết hướng đi của đoàn mình thế nào, chưa có một ý tưởng xuyên suốt cách thể hiện từ âm nhạc, biểu đạt nghệ thuật, màu sắc, thẩm mỹ, trang phục, đạo cụ, nên vai trò chỉ đạo nghệ thuật vẫn chưa được đề cao. Điều đó dẫn đến sự nhạt nhòa về phong cách của một số đơn vị nghệ thuật, thiếu bản sắc và ấn tượng riêng từ các tác phẩm, chương trình.

Bên cạnh đó còn có sự lầm tưởng ở nhiều đơn vị nghệ thuật, người lãnh đạo được mặc định là người có vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Thực tế, nếu người đứng đầu nhà hát làm chỉ đạo nghệ thuật giỏi thì quá tốt.

Thời gian vừa qua, nhìn vào các pa nô giới thiệu nhân lực tham gia liên hoan sân khấu, ca múa nhạc... bên cạnh các thành phần sáng tạo như: Đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên... còn có thêm dòng “chỉ đạo nghệ thuật” và chức danh này thường mặc nhiên được gán cho giám đốc nhà hát hay trưởng đoàn nghệ thuật, trong khi trên thực tế, có những người chỉ làm công tác quản lý chứ không có chuyên môn về nghệ thuật. Do thiếu cán bộ chỉ đạo nghệ thuật thật sự, nên nhiều loại hình nghệ thuật đang rơi vào tình trạng thiếu sức sống, thiếu định hướng nghệ thuật, khán giả quay lưng, nhất là ở một số loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Nhiều nhà hát chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng; một số nhà hát làm theo kiểu lấy ngắn nuôi dài để đáp ứng thị hiếu của công chúng. Nhưng chỉ chạy theo thị hiếu thì sẽ không thể có những chương trình, vở diễn gây tiếng vang hoặc tạo nên diện mạo, thương hiệu nghệ thuật cho nhà hát.

Có hàng loạt vấn đề bất cập đặt ra đối với vị trí chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát, đặc biệt là khu vực công lập. Trong khi đó, đến nay, các trường nghệ thuật chưa có chương trình đào tạo chỉ đạo nghệ thuật.

Vì chưa rõ vai trò của chỉ đạo nghệ thuật nên trong công tác thi đua-khen thưởng, hạng mục này cũng được ít giải thưởng hơn hoặc ở nhiều kỳ cuộc liên hoan vẫn chưa chú trọng đặt vào hạng mục trao giải.

3. Từng trải qua nhiều vai trò, từ nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo, tới khi đảm nhận tổng đạo diễn, rồi chỉ đạo nghệ thuật của một nhà hát, tôi thấy khá áp lực. Ví dụ, về công tác chỉ đạo, nếu mình không hiểu người, hiểu nghề, nhìn sản phẩm thì sẽ không đánh giá được vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật thế nào. Thực sự làm lãnh đạo của một nhà hát nghệ thuật khó hơn làm CEO (giám đốc điều hành) của một doanh nghiệp. Vì nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều yếu tố, chọn sai người, sai định hướng nghệ thuật thì sẽ đi theo hướng khác.

Làm nghệ thuật phải có bố cục định hướng, tài chính, con người, đánh giá nguồn nhân lực, tầm nhìn, vị thế của sản phẩm, hệ thống PR, marketing,... Tác phẩm phải được làm thế nào, sản xuất ra mắt khán giả thời điểm nào, chi phí bao nhiêu, định hướng giá trị gia tăng cho tác phẩm. Làm nghệ thuật chuyên nghiệp, người chỉ đạo nghệ thuật phải hiểu nghệ thuật và phải đóng vai "CEO", nếu không, tác phẩm hay chương trình sẽ không thành phẩm được. Có thể tìm được đội ngũ sáng tạo tốt, diễn viên giỏi, nghĩ ra rất nhiều yếu tố để đáp ứng được sự thăng hoa của nghệ sĩ, sân khấu lộng lẫy, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo cảm xúc cho người xem, đạt yếu tố chất lượng, nhưng nếu không biết tính toán chi phí trong nguồn lực tài chính cho phép thì cũng không thể được gọi là người chỉ đạo nghệ thuật. Thậm chí phải tính được sản phẩm đầu tư bao nhiêu, diễn bao nhiêu thì có lãi, nghệ sĩ có chế độ thù lao ra sao để được bù đắp xứng đáng, rồi tính cả giá trị gia tăng sau này của tác phẩm, khấu hao... Phải lên được tất cả phương án đó. Trong mọi hoàn cảnh, phải đồng hành làm việc với ê kíp, nhân viên và trong quá trình làm việc luôn phải đối diện với vấn đề bất đồng quan điểm, với trắc trở của nhiều yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn, khi tôi làm Tổng đạo diễn của SEA Games 31 vừa qua, thực sự rất nhiều áp lực. Phải lên rất nhiều phương án mà mình có thể phải đối diện. Ví dụ nhỏ về phương án thời tiết, ngày tổng duyệt thời tiết rất ủng hộ, nhưng sang ngày biểu diễn thì thời tiết có thể thay đổi thất thường, mưa trắng trời, ngập sân khấu, sấm sét... trong khi sân khấu đủ các loại thiết bị máy móc âm thanh, ánh sáng, dây điện, nếu sơ sẩy sét đánh, điện giật thì khó lường hậu quả gì sẽ xảy ra. Trước đó, trong tổng thể chương trình, chúng tôi đã phải lên phương án lắp hai cột chống sét, phân vai cho hai vị trí đứng đầu đảm nhận vai trò bảo đảm an toàn cho toàn bộ sân khấu, con người trong khả năng thời tiết bất trắc. Góp vào thành công của SEA Games 31 Việt Nam đăng cai, những người làm nghệ thuật chúng tôi rất vinh dự và hân hoan vì đã làm tốt chương trình nghệ thuật.

4. Chúng ta đang thiếu đội ngũ chỉ đạo nghệ thuật. Chúng ta mới đang dừng ở việc lăn lộn với nghề, nghề dạy nghề dần lên chỉ đạo nghệ thuật, nhưng gọi là chuyên môn hóa thì chưa thấy. Lỗ hổng này trước hết nằm ở khâu đào tạo. Các trường đào tạo nghệ thuật hiện chưa có môn học, tín chỉ về chỉ đạo nghệ thuật. Trong khi để làm thành công bất cứ điều gì cũng phải học, học một cách bài bản, chuyên sâu thì mới mong đến chuyên nghiệp.

Khi chưa có mã ngành học, nên chăng các khoa đạo diễn, sản xuất... cần có thêm các tín chỉ, học phần về chỉ đạo nghệ thuật. Lãnh đạo các nhà hát khi đảm nhiệm trọng trách cần tìm hiểu và tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ nghệ thuật, CEO, PR, marketing... Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thường xuyên tổ chức các khóa, lớp tập huấn về chỉ đạo nghệ thuật, xu hướng làm nghệ thuật; tăng cường phối hợp với quốc tế để mời chuyên gia nước ngoài đến trao đổi kinh nghiệm, giảng dạy các khóa học ngắn về tiếp cận, chỉ đạo nghệ thuật.

Nghệ thuật Việt Nam đang rất cần những chỉ đạo nghệ thuật thực sự có tài năng và tâm huyết, đổi mới quy trình sáng tạo tác phẩm, dám làm, dám chịu và phải thực sự nhạy bén dàn dựng ra những tác phẩm nghệ thuật thật sự hấp dẫn, đáp ứng được thị hiếu công chúng hôm nay. 

Nghệ sĩ Ưu tú TRẦN LY LY