Phía trong làng, nhân dân nối thông các hầm bí mật thành hệ thống địa đạo trong lòng đất. Hơn 11km địa đạo đã được hình thành và kết nối ngay trong địa bàn xã, được quân và dân Nam Hồng hoàn thành trong thời gian gần một năm. Nhờ có địa đạo Nam Hồng, trong suốt 9 năm kháng chiến, quân-dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn tên địch, thu nhiều vũ khí.

Một đoạn địa đạo Nam Hồng.

Với những đóng góp xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 29-1-1996, xã Nam Hồng được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày 13-2-1996, Bộ Văn hóa-Thông tin có quyết định xếp hạng cấp Quốc gia Di tích địa đạo Nam Hồng. Tuy nhiên, qua thời gian, địa đạo Nam Hồng đã và đang bị xuống cấp nhiều; hơn 10km địa đạo cũ nay không còn nguyên vẹn; nhiều chỗ bị sập, lở, chỗ bị người dân san lấp làm nhà...

Cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân rất mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đầu tư tôn tạo Khu di tích địa đạo Nam Hồng trở thành điểm giáo dục truyền thống, như mong muốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi trong sổ vàng truyền thống của xã, khi Đại tướng về thăm Nam Hồng năm 1995: “Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở Đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi thấy đây là một di tích lịch sử rất quý giá, rất cần được bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ...”.

Bài và ảnh: TRANG ANH- PHAN THÁI