Nâng cao diện mạo văn hóa địa phương

 Sau gần 3 năm xây dựng, công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 21-9-2024, trong niềm vui của nhiều thế hệ người dân Thủ đô. Cung Thiếu nhi Hà Nội tọa lạc trên khu đất gần 40.000m2 tại công viên hồ điều hòa CV1, trong Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, với tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng; diện tích sàn xây dựng khoảng 10.280m2, gồm nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 3D-4D 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn bơi, các phòng học chức năng và thư viện, tháp thiên văn...

 
 Cung Thiếu nhi Hà Nội là thiết chế văn hóa mang tính biểu tượng mới. Ảnh: NAM NGUYỄN

Dự án được thiết kế theo chủ đề “Ươm mầm và phát triển” với hai tòa nhà lớn hình tròn làm trung tâm, tạo nên hình dáng tổng thể mềm mại, liền khối với nhiều ý tưởng thiết kế mới lạ, độc đáo, gần gũi thiên nhiên để vừa phù hợp với thiếu nhi, vừa mang tính giáo dục cao. Tại buổi khánh thành công trình, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: Hiện nay, thành phố có gần 400 thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT), 30 quận, huyện, thị xã đều có trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao với gần 90 công trình cùng gần 90% cơ sở tại địa bàn dân cư có điểm sinh hoạt cộng đồng.

Hệ thống thiết chế VHTT các cấp đang được tập trung đầu tư phát triển cả về chất lượng và quy mô, góp phần nâng cao diện mạo văn hóa địa phương cũng như chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ giá trị vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô. Cung Thiếu nhi Hà Nội là món quà ý nghĩa mà thành phố dành tặng thiếu nhi Thủ đô; đồng thời, mong muốn nơi đây sẽ tiếp tục đổi mới, có bước đột phá về chất lượng, góp phần giáo dục toàn diện lớp măng non của Thủ đô cũng như các địa phương khi tới đây, xứng đáng là nơi chắp cánh ước mơ để tuổi thơ bay xa.

Nhà hát mang hình dáng một chiếc đó khổng lồ-Nhà hát Đó nằm bên vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đưa vào hoạt động từ năm 2023 đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách. Với thiết kế độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt, Nhà hát Đó cùng vở diễn nghệ thuật biểu diễn hằng ngày “Life Puppets-Rối mơ” là minh chứng sống động cho việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào các sản phẩm văn hóa-nghệ thuật phục vụ nhân dân; bên cạnh đó là điểm sáng trong quản lý và vận hành các nền tảng, thiết chế văn hóa xã hội hiệu quả của địa phương.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), những công trình kể trên sẽ trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, trở thành những dấu ấn và di sản dành cho tương lai; phù hợp với quan điểm phát triển mạng lưới cơ sở VHTT vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tránh đầu tư nhiều, sử dụng không hiệu quả

 Bộ VHTTDL vừa tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở VHTT, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch nhằm góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với việc phát triển sự nghiệp VHTT và bảo đảm phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.

 Nhà hát Đó (Nha Trang, Khánh Hòa) cùng vở diễn “Life Puppets - Rối mơ” trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: NAM NGUYỄN

Theo đồng chí Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT TP Hà Nội: Bám sát Quy hoạch mạng lưới cơ sở VHTT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, Sở VHTT TP Hà Nội đã xây dựng phương án phát triển hạ tầng, cơ sở VHTT Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phương án phát triển thiết chế VHTT tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo, mở rộng 22 di tích trọng điểm, như: Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, Khu di tích Cổ Loa; xây dựng công trình văn hóa mới tiêu biểu như: Nhà hát TP Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Thư viện Hà Đông, phát triển không gian bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài ở Sơn Tây, không gian văn hóa hai bên bờ sông Hồng; hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa tại khu vực bãi sông, bãi nổi... “Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Song, Hà Nội cũng xác định sẽ tập trung đầu tư đúng, trúng và vận hành hợp lý, tránh lãng phí mạng lưới cơ sở văn hóa, đáp ứng hiệu quả nhu cầu hưởng thụ của nhân dân”, đồng chí Đỗ Đình Hồng cho hay.

Đồng chí Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL cho biết: Tính đến hết tháng 9-2024, toàn quốc hiện có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế VHTT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn bất cập, hạn chế như hiệu quả hoạt động VHTT của các thiết chế chưa đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự phát triển kinh tế-xã hội... Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở đề xuất bố trí các nguồn lực cho phát triển VHTT bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền về đầu tư, tài chính trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, sử dụng các thiết chế VHTT.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh quan điểm, nhiệm vụ xây dựng và phát triển VHTT do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo tham gia và hưởng thụ. Do vậy, việc đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở VHTT phải bảo đảm tính bền vững, hiệu quả trên cơ sở huy động và phát huy tối đa các nguồn lực nhà nước và toàn xã hội, bao gồm các nguồn lực huy động trong nước và nước ngoài. Việc xác định các giải pháp đúng đắn, phù hợp để thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí các nguồn lực rất quan trọng, có tính quyết định đến thành công của quy hoạch khi triển khai trong thực tiễn.

 Quy hoạch đặt ra phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia, gồm: Mạng lưới bảo tàng; thư viện; cơ sở điện ảnh; cơ sở nghệ thuật biểu diễn; cơ sở triển lãm văn hóa-nghệ thuật; trung tâm văn hóa ở trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành văn hóa-nghệ thuật; Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.

 

HÀ VƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.