Để tiếp tục phát huy vai trò của thư viện công cộng cấp tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng thông tư cho trụ cột của ngành thư viện. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tổng quan về hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh hiện nay?

Ông Phạm Quốc Hùng: Thư viện công cộng cấp tỉnh là một bộ phận quan trọng trong hệ thống thư viện công cộng ở Việt Nam (bao gồm 3 cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam trở thành một mạng lưới thư viện từ Trung ương đến địa phương đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức của người dân.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Quốc Hùng.

Hiện nay cả nước có 63 thư viện công cộng cấp tỉnh. Theo Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030, mỗi tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì 1 thư viện cấp tỉnh. Tuy vậy, trên thực tế hiện nay, trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa, một số địa phương đã sáp nhập cơ học thư viện tỉnh với các thiết chế văn hóa khác, điển hình là ở tỉnh Kon Tum và tỉnh Long An.

Thư viện công cộng cấp tỉnh hiện lưu trữ khoảng 18,3 triệu bản sách, chiếm 40,8% tổng số tài nguyên thông tin trong toàn hệ thống thư viện công cộng. Về nhân lực có khoảng 23 người/thư viện. Đầu tư tài chính là 260,6 tỷ đồng/năm (bình quân 4,1 tỷ đồng/thư viện).

PV: Vì sao thời điểm này cần xây dựng thông tư về thư viện công cộng cấp tỉnh, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Hùng: Xét về khía cạnh pháp lý, ngày 14-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở theo ngành, lĩnh vực quản lý. Như vậy, đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong lĩnh vực thư viện) cần ban hành thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thư viện công cộng cấp tỉnh nhằm thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao.

Từ góc độ thực tiễn việc xây dựng thông tư này có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện trong bối cảnh phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số; đồng thời cụ thể hóa các chính sách được quy định trong Luật Thư viện năm 2019.

leftcenterrightdel
Độc giả đọc sách tại Thư viện Hà Nội.Ảnh: HÀM ĐAN. 


PV:
Các chuyên gia, nhà khoa học đã có những đóng góp gì trong quá trình xây dựng thông tư?


Ông Phạm Quốc Hùng: Tại cuộc họp Tổ soạn thảo thông tư mới đây, trên cơ sở Đề cương của thông tư, Tổ soạn thảo đã xác định 3 định hướng cơ bản trong việc hoàn thiện thông tư, đó là: Thông tư cần cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thư viện đã được quy định tại Luật Thư viện, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ cho thư viện để thư viện công cộng cấp tỉnh có thể phát huy vai trò của mình trong việc là động lực thúc đẩy phát triển văn hóa đọc của địa phương. Kiện toàn cơ cấu tổ chức của thư viện công cộng cấp tỉnh làm nhân tố để thúc đẩy quá trình chuẩn hóa về nguồn nhân lực, về chuyên môn, nghiệp vụ trong toàn hệ thống thư viện, đặc biệt thông qua vấn đề kiện toàn cơ cấu tổ chức, sẽ góp phần tạo thuận lợi trong sắp xếp vị trí việc làm, phân công lao động theo tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp viên chức thư viện theo quy định của pháp luật. Thông tư này cần được xây dựng theo cơ chế mở, có tính chất khung, các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một thư viện cấp tỉnh cụ thể sẽ do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các quy định của thông tư phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

PV: Để phát huy tốt vai trò là trụ cột của ngành thư viện, theo ông, thư viện công cộng cấp tỉnh trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì?

Ông Phạm Quốc Hùng: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế chuyển đổi số trong hoạt động thư viện, mô hình hoạt động của thư viện công cộng cấp tỉnh cần hướng đến phải trở thành trung tâm thông tin, trung tâm văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng hữu ích, hỗ trợ việc tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và học tập suốt đời của người dân.

Cần kết hợp mô hình thư viện truyền thống và hiện đại, trong đó chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thư viện, đặc biệt trong khâu phục vụ, cung ứng sản phẩm và dịch vụ thư viện dạng số là một trong những xu thế cần được các thư viện công cộng hướng đến. Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Cùng với đó, thư viện công cộng cấp tỉnh chuyển dần từ mô hình hoạt động hành chính phục vụ một cách thụ động chuyển sang hướng đến việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó, hoạt động thư viện hướng đến xây dựng kỹ năng, trình độ thông tin cho người sử dụng. Phát triển các dịch vụ thư viện mới và làm mới các dịch vụ truyền thống là một nhiệm vụ thường xuyên của mỗi thư viện. Đồng thời, chú trọng liên thông, kết nối và chia sẻ trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện công cộng cấp tỉnh, trong đó cần quan tâm liên kết giữa các thư viện trong việc phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và phát triển văn hóa đọc của người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)