Những cách làm đó góp phần cải thiện đời sống dân sinh, nâng cao dân trí, thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị. Song để giữ vững và phát huy kết quả này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Trồng sen giảm nghèo

Về xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, chúng tôi được ông Nguyễn Đức Vũ, Phó chủ tịch UBND xã chở xe máy chạy theo những con đường bê tông sạch sẽ, nhiều cây xanh. Các ao, hồ ven đường hoa sen bắt đầu vào thời kỳ khoe sắc, gặp chúng tôi, bà Lê Thị Đào ở thôn Vinh Ba vui vẻ: “Nhờ mô hình chuyển đổi trồng sen trên đất lúa, kết hợp dịch vụ ẩm thực, sinh thái trải nghiệm mà gia đình chúng tôi thoát nghèo. Vợ chồng con gái ở xa nhiều năm, nay chuyển về ở hẳn phụ giúp tôi kinh doanh, chăm sen, thu nhập ổn định và đỡ vất vả hơn so với làm công nhân”.

leftcenterrightdel
Mô hình chuyển đổi trồng sen trên đất lúa kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm ở huyện Tây Hòa được nhân rộng ở tỉnh Phú Yên.

Nhiều năm trước, một số diện tích đất nông nghiệp ở vùng trũng thấp, hay bị ngập úng, năng suất trồng lúa thấp, nên không ít người dân bỏ trồng lúa chuyển sang trồng rau, cỏ làm thức ăn cho gia súc, song vẫn không cải thiện. Qua học tập, tìm hiểu kinh nghiệm ở các địa phương, năm 2018, UBND xã Hòa Đồng chọn 3,2ha thí điểm và vận động 11 gia đình tham gia trồng sen. Kết quả chỉ sau thời gian ngắn, cây sen hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt, hạt sen năng suất cao, người dân có thu nhập tốt hơn so với trồng lúa. Từ nội lực và nguồn vốn hỗ trợ của trên, UBND xã Hòa Đồng chỉ đạo hợp tác xã đầu tư máy móc, thu mua hạt sen của các hộ dân, chế biến thành một số mặt hàng như: Bột hạt sen, tim sen, hạt sen lức khô... Đến nay sản phẩm bột hạt sen Hòa Đồng đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được UBND tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Đồng chí Phan Công Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: "Qua cách làm hiệu quả được người dân đồng tình, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo nhân rộng ở các xã với diện tích 40ha trồng sen, trong đó nhiều nhất là xã Hòa Đồng với gần 16ha. Thời gian tới, huyện Tây Hòa dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng sen lên khoảng 100ha. Để bảo đảm cân đối các loại cây trồng và đầu ra cho sản phẩm, địa phương đã liên hệ, cùng với cam kết của doanh nghiệp hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng và thu mua sản phẩm từ sen của bà con. Ngoài ra, một số hộ dân kết hợp giữa trồng sen, tổ chức các dịch vụ ăn uống, du lịch sinh thái trải nghiệm...".

Ở huyện Tây Hòa còn có nhiều mô hình, cách làm hay về xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội mang lại hiệu quả, góp phần lan tỏa trong toàn tỉnh như: “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình đọc sách”, “Đoạn đường tự quản-sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”... Hiện nay, toàn huyện Tây Hòa có hơn 98,5% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; gần 99% thôn, khu phố văn hóa; trong đó có 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (7/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), đời sống người dân ngày càng được nâng lên, là một trong hai huyện của tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đợt kiểm tra năm 2022, Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đánh giá cao những mô hình hay, cách làm hiệu quả ở Tây Hòa. 

Hướng đến nhu cầu thụ hưởng của người dân

Thông qua các hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cuộc vận động ở Phú Yên ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, tỷ lệ gia đình văn hóa, khu phố văn hóa năm sau cao hơn năm trước; xây dựng công sở văn minh-sạch đẹp-an toàn, cơ quan, đơn vị văn hóa; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và mở rộng, mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân ngày càng khăng khít, tạo động lực quan trọng thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tuy nhiên, nhận thức, quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi về văn hóa chưa được đúng mức. Các thiết chế văn hóa-thể thao có nơi chưa được đầu tư xứng đáng. Một số tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa cộng đồng. Đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở trình độ, năng lực hạn chế, kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên thay đổi, do vậy, công tác chỉ đạo, thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những hạn chế, theo đồng chí Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên, đổi mới nội dung và phương thức trong công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; vận động quần chúng tham gia, làm cho mọi người dân, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ về ý nghĩa, nội dung và tác dụng thiết thực của phong trào xây dựng đời sống văn hóa, từ đó tự nguyện, tự giác thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên xác định: Xây dựng và phát triển văn hóa con người Phú Yên nói riêng, con người Việt Nam nói chung toàn diện, phù hợp với xu thế của thời đại; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền, các đối tượng chính sách và người yếu thế; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia những hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho rằng: “Những mục tiêu đặt ra đều hướng đến nhu cầu thụ hưởng của người dân, song muốn xây dựng văn hóa tốt, trước hết phải bảo đảm đời sống vật chất tốt. Do vậy, những mô hình, cách làm hay không chỉ về văn hóa mà về phát triển kinh tế cũng phải được nhân rộng phù hợp với từng địa bàn, chỉ cho người dân cách làm cụ thể, nâng cao nhận thức, hiểu biết, chú trọng xây dựng ý thức trách nhiệm công dân từ trong gia đình, nhà trường và xã hội”. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng tộc, người có uy tín trong cộng đồng để vận động, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh; huy động mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và sinh hoạt của nhân dân.

VŨ DUY HIỂN