Xôi và các sản phẩm làng nghề được bày biện khéo léo. Điểm chung là những hình ảnh thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, cảnh vật đẹp đẽ.
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng bày tỏ: “Năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hội thi nấu xôi hằng năm là một truyền thống kết nối giữa các thế hệ làng nghề nhằm thể hiện những nét sáng tạo của những người con Phú Thượng qua từng năm tháng, đồng thời gìn giữ những tinh hoa truyền thống của địa phương”.
 |
Tác phẩm cột cờ từ xôi Phú Thượng. |
Ấn tượng nhất với tôi là gian trưng bày của Chi hội 4. Gian trưng bày nổi bật với hình ảnh 4 chú bộ đội áo xanh quen thuộc đang hành quân giữa mùa lúa vàng. Bất ngờ hơn, người đưa ra ý tưởng trưng bày này là một cô bé xinh xắn mới học lớp 8. Đó là Lã Anh Thư, học sinh Lớp 8A1, Trường THCS Phú Thượng (quận Tây Hồ), nhà ở tổ 21, cụm 3 Phú Thượng.
Gia đình Thư làm nghề truyền thống lâu đời và cũng có ông nội là bộ đội. Sống giữa làng nghề, ngay từ nhỏ, cô bé Thư đã quen với không khí làng nghề, giữa mùi thơm nếp, đỗ từ sớm tinh mơ. Hiếu kính và yêu thương ông nội, nghe những chuyện ông và người trong gia đình, hàng xóm kể, cô bé cũng sớm hình thành tình yêu với quê hương, đất nước, tự hào truyền thống và lịch sử văn hóa ngôi làng nơi cô bé sinh ra và lớn lên. Đó là những chất liệu cho ý tưởng ban đầu của Thư. Khi Anh Thư đề xuất ý tưởng, các bà, các cô đều ủng hộ nên sản phẩm của Chi hội 4 rất khác biệt. Bộ đội là xôi nếp với màu xanh lá dứa, màu vàng cánh đồng lúa từ đỗ xanh, nhành đào đỏ từ gấc, thân cây từ đỗ đen... tạo nên bức tranh phong cảnh từ xôi thật hữu tình.
Bà của Thư là Nguyễn Thị Vinh, đã theo nghề nấu xôi 35 năm, vốn là con dâu của Phú Thượng. Xưa bà Vinh theo chị dâu học nấu xôi, chọn gạo. Hạt gạo ngon phải là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp dâu keo, gạo nếp phải là loại được trồng một năm 2 vụ, đủ thời gian trồng để chưng cất tinh hoa trời đất, loại trồng một năm 3 vụ thường không được chọn vì không ngon bằng. Chọn gạo rồi ngâm, đồ xôi, người có kinh nghiệm căn thời gian ngâm, đồ tùy từng loại gạo. Xôi Phú Thượng bao giờ cũng được đồ qua hai lửa nên hạt xôi to tròn, căng mọng, không nát. Bà Vinh bán xôi ở phố Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa) từ 5 giờ đến khoảng 9 giờ sáng. Trung bình bà bán được 35kg đến 50kg gạo/ngày; rằm, mồng 1, bà bán nhiều hơn. Để giữ nghề, bà truyền lại những dặn dò của người xưa cho con dâu.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng bày tỏ: “Xôi Phú Thượng không chỉ là món ẩm thực nổi tiếng mà làng nghề cổ còn là điểm du lịch với các tour du lịch hấp dẫn, thu hút khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Quan trọng hơn, từ những gánh xôi giản đơn mà ấm nghĩa tình, hình ảnh một vùng đất nhiều trầm tích văn hóa sẽ được quảng bá rộng rãi hơn tới bạn bè khắp nơi trên thế giới, góp phần phát triển phường Phú Thượng ngày một văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống phường anh hùng”.
Bài và ảnh: THƯƠNG VY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.