Dự hội thảo có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo. 

Văn hoá-yếu tố quan trọng để xây dựng Thủ đô

Văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô. Trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Hội thảo ngày hôm nay là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”; tiếp tục triển khai các nội dung được thảo luận tại các Hội thảo khoa học do Trung ương tổ chức về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17-12-2022 tại Bắc Ninh và về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ngày 27-2-2023 tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

“Tôi được biết, hội thảo đã được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia về văn hóa học, văn hóa Hà Nội ở cả trong và ngoài nước. Thành phố Hà Nội mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các đại biểu, đóng góp cho thành công của hội thảo. Qua hội thảo này, Thành phố sẽ có thêm nhiều sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có thể sánh ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của nhà nước Âu lạc vào đầu thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) như Thủ đô Hà Nội. Mỗi người dân Hà Nội tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.

Nói về nét đặc sắc của Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”...thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Theo GS, TS Nguyễn Văn Kim Trường, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia, văn hóa Thăng Long - Hà Nội là sự hội tụ của trăm miền, đặc biệt là của “Thăng Long Tứ trấn”. Bốn không gian văn hóa đó luôn có mối quan hệ chặt chẽ và thực tế đã trở thành những thực thể gắn bó hữu cơ với Thăng Long. Văn hóa Tứ trấn luôn có sự tương tác, đồng hành với dòng chảy, hệ sinh thái văn hóa - nhân văn Thăng Long. Hệ sinh thái văn hóa đó được tạo thành bởi nhiều vòng đồng tâm mà vùng lõi, kết tinh là ở Thủ đô văn hiến.

GS, TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng: Văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh, sự thu nhỏ của văn hiến dân tộc và là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến dân tộc. Chính vì vậy, nói tới văn hiến Thăng Long là nói tới văn hóa Thăng Long kết hợp với kẻ sĩ Thăng Long, những hiền tài của đất Thăng Long. Nằm trên một vùng đất đai phì nhiêu, trung tâm của châu thổ Sông Hồng, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội đã mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý và nhân học, về chính trị kinh tế và văn hóa con người.

Văn hiến Thăng Long-Hà Nội là sự hợp lưu, hội tụ

PGS, TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định: Vị thế Thủ đô Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội đã định hình hơn một nghìn năm trước đến ngày nay, vẫn sừng sững là vùng đất địa linh, tụ sơn, tụ thủy, tụ sản vật, tụ nhân tài tinh hoa cả nước. Lịch sử vẻ vang của quốc gia qua các thời kỳ đều có đóng góp to lớn sức người, sức của, trí tuệ và tình cảm của nhân dân Thủ đô anh hùng. Các danh hiệu mới của Hà Nội có được nhờ kinh tế phát triển dồi dào, thương mại trao đổi hàng hóa, các mặt hàng, ngành hàng, dịch vụ, công thương nghiệp, nông nghiệp (và tam nông) năng suất cao, chất lượng tốt… khiến đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan trưng bày hiện vật của Hoàng thành Thăng Long. 

Theo PGS, TS Phạm Lan Oanh, văn hóa Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội là trung tâm hội tụ - giao thoa - tỏa sáng, là điểm kết nối giữa truyền thống và hiện tại, quá khứ và tương lai, giữa bề dày văn hiến và xu hướng đổi mới sáng tạo lên tầm cao văn minh nhân loại. Tiếp nối truyền thống đất Kinh Kỳ văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo với tinh thần phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn nghìn năm qua và khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, Hà Nội từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước, vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

GS, TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, bản sắc văn hóa Hà Nội nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam, rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội đến nay đã gần như trở thành biểu tượng. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, thì hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Núi Nùng, đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng...hầu hết đều là “vật thể” mang giá trị của lịch sử. Ngoài ra, văn hóa Hà Nội còn là kết tinh của những nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa Pháp. Có thể thấy, một số địa danh du lịch có tiếng của Hà Nội hiện nay như: Nhà Kèn, Nhà hát Lớn, Hỏa Lò, ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, Nhà thờ Lớn, chợ Đồng Xuân... đều là những di sản có giá trị vật thể bên cạnh các giá trị văn hóa phi vật thể đã được lưu giữ hơn ngàn năm qua của Hà Nội.

leftcenterrightdel
Giới thiệu các sản phẩm của làng nghề của Hà Nội tại hội thảo 

 

leftcenterrightdel
 Trình diễn thư pháp.

Còn theo GS, TS Đỗ Thị Minh Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội được biến đổi theo thời gian, theo những quy hoạch đô thị từng thời kỳ. Trong đó, sông Hồng đang ngày càng thể hiện là một tài nguyên quý giá trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội.

Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 8 cây cầu qua sông Hồng: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh và Văn Lang. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu nhiều giải pháp để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội, góp phần lan tỏa, để văn hóa và con người Hà Nội thật sự trở thành hồn cốt của tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Bài, ảnh: HUYỀN THẢO